Trên cơ sở sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Quế Võ (Bắc Ninh),
nhiều hội viên nông dân đã thành công với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp (Ảnh: PMH)
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” luôn được các cấp Hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã giao chỉ tiêu cụ thể về số hộ nông dân SXKD giỏi các cấp cho Hội Nông dân các huyện, thành phố; chỉ đạo các cơ sở Hội tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nắm vững các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các mô hình khuyến nông, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn vươn lên thoát nghèo để hội viên, nông dân học tập nhân ra diện rộng.
Đồng thời, quan tâm chỉ đạo các cấp Hội thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào; chuyển từ hình thức tuyên truyền, vận động sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, dạy nghề... tạo điều kiện giúp các hộ nông dân sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất; chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, tổ chức tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, động viên hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực tế của hộ gia đình.
Theo thống kê, trong 5 năm qua (2015-2020), phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, tạo tiền đề cho nông dân tiếp cận thị trường, hội nhập quốc tế. Phong trào thu hút 468.228 lượt hộ nông dân đăng ký tham gia. Qua bình xét, toàn tỉnh có 408.245 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 87,2% so với số hộ đăng ký).
Được biết, để đẩy mạnh phong trào, trong sinh hoạt, các cấp Hội đã chủ động lồng ghép một số nội dung như tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Đối với những hội viên nghèo, Hội cùng với các Chi hội thường xuyên thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện về kinh phí và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật để biết cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. … Qua 5 năm, Hội đã trao tặng được 13 ngôi nhà “Nghĩa tình nông dân”; 100 con bò sinh sản, 232 chiếc quạt điện, 16 xe đạp, 2 tivi cho các hộ hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng. Hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Đến hết tháng 6, tổng dư nợ của Hội nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 724 tỷ đồng cho hơn 23.300 lượt hội viên vay. Qua các chương trình hoạt động, nhiều nông dân ý thức được lợi ích của hội viên, từ đó tích cực tham gia vào tổ chức Hội, khơi dậy sự nhiệt tình, tính lao động sáng tạo của nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn, xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh và phát triển. Phong trào cũng đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp...
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam. Đó là những tấm gương hộ nông dân sản xuất giỏi, chủ trang trại, giám đốc các doanh nghiệp nông nghiệp ở nông thôn, họ chính là những nông dân tiêu biểu nhất đi đầu trong lao động sản xuất, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp, cùng với việc tích tụ ruộng đất, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi... với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, thông qua phong trào, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp đô thị có thể nhân rộng; khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân; đời sống vật chất, tinh thần ở khu vực nông thôn giảm dần sự cách biệt so với thành thị, nông dân ngày một hưởng thụ nhiều hơn về đời sống văn hóa, môi trường xanh, sạch. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã có 223 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó: 53 trang trại trồng trọt, 111 trang trại chăn nuôi, 24 trang trại thủy sản và 35 trang trại tổng hợp. Các trang trại tập trung chủ yếu tại các huyện: Gia Bình, Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du… Diện tích bình quân đạt 2,7ha/trang trại, thu nhập hơn 400 triệu đồng/trang trại; mỗi năm cung cấp ra thị trường 95.000 - 100.000 tấn lợn, 22.000 - 25.000 tấn gia cầm, 40.000 tấn thủy sản và 100.000 tấn rau, củ quả các loại. Nhiều trang trại cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như mô hình trồng rau công nghệ cao của nông dân Nguyễn Khắc Mạnh, phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) mỗi năm cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng; HTX sản xuất rau củ quả Nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du) phát triển diện tích trồng rau, củ quả an toàn lên 34ha với hơn 100 thành viên. HTX được cấp chứng nhận cơ sở sản xuất nông sản an toàn và được một số siêu thị, nhà hàng, doanh nghiệp, trường học trong tỉnh bao tiêu sản phẩm. Năm 2019, tổng doanh thu của HTX đạt hơn 10 tỷ đồng. Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: ông Nguyễn Văn Đẩu (phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn); bà Nguyễn Thị Hà, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín chăn nuôi lợn quy mô lớn… Ngoài ra nhiều mô hình quy vùng trồng xen canh các loại cây ăn quả theo hướng VietGAP cho doanh thu tiền tỷ mỗi năm như: ông Nguyễn Văn Nho, bà Nguyễn Thị Dư, xã Hoài Thượng (huyện Thuận Thành); ông Nguyễn Đăng Hiển (xã Tân Chi, huyện Tiên Du)…
Kết quả của phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn tỉnh phát triển; giúp đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn, tạo bước đột phá, chuyển biến lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong tái cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Hộ sản xuất giỏi luôn là những tấm gương đi đầu,góp phần thay đổi tư duy của các hộ dân về sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới hiện nay./.