Giá trị văn hóa truyền thống luôn tạo sức hấp dẫn riêng cho du lịch Bắc Ninh. (Ảnh: Việt Thanh).

Có thể nói tiềm năng du lịch lớn nhất của Bắc Ninh chính là chiều sâu giá trị văn hóa của ngàn năm lịch sử vun bồi, của những di tích lịch sử, đình đền chùa và các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ. Những Đại tượng Phật A Di Đà, những tòa tháp bút nghiên, những đình chùa rêu phong trầm mặc... đã trở thành chốn linh thiêng tìm về của du khách bốn phương nhất là vào dịp lễ, tết. Sự độc đáo về văn hóa là yếu tố bền vững hấp dẫn du khách đến với Bắc Ninh. Đó là hệ thống hàng trăm di tích, di sản, hàng trăm lễ hội trải khắp từ bờ Bắc qua bờ Nam sông Đuống, từ đất Yên Phong qua miền Quế Võ đến Từ Sơn, Tiên Du sang Thuận Thành, Gia Bình... Từ lâu, kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú này đã có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, vào mỗi dịp xuân về, khi vạn vật như bừng sức sống, đến với Bắc Ninh, du khách thập phương sẽ được say đắm cùng những canh hát vắt từ đêm này sang đêm khác, ngọt ngào lưu luyến suốt mùa xuân ở hội Lim, hội Diềm, hội thi hát Quan họ, du khách còn được hòa mình trải nghiệm các trò chơi dân gian thấm đấm văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc như chạy Ró, đu tiên, đấu vật, cờ tướng, cờ người sau đó thưởng thức hương vị của những món ăn ngon đặc sản mà chỉ đất này mới có. Chưa kể đến những sự kiện văn hóa, chương trình nghệ thuật quy mô như Festival Bắc Ninh, Về miền Quan họ, Biểu diễn Dân ca Quan họ trên thuyền giữa lòng thành phố rồi còn khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp dân gian, lắng nghe thông điệp tiền nhân gửi trong biết bao sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống như tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, đồ gỗ Đồng Kỵ.. Đồng thời, du khách sẽ được chiêm nghiệm, cảm nhận một tầng văn hóa khác - văn hóa tâm linh trong hàng nghìn di tích lịch sử, những đình, đền, chùa và các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ mang dáng dấp từ thời Lý-Trần đến Lê-Nguyễn, tựa như những sơn tự đã tọa lạc nơi đất cổ mạch nguồn thiêng liêng từ cả trăm, ngàn năm trước. Những Đại tượng Phật A Di Đà, những tòa tháp bút nghiên, những đình, chùa rêu phong trầm mặc… đã trở thành chốn linh thiêng tìm về của du khách bốn phương mỗi dịp lễ tết, mỗi khi muốn cầu an hay tìm về miền thanh tịnh....

Theo đồng chí Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, hướng vào khai thác có hiệu quả những tiềm năng cơ bản nói trên, trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2030, Bắc Ninh đề ra nhiều giải pháp cụ thể về xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch. Đó là khuyến khích phát triển, nâng cao đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm; phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở các làng Quan họ cổ, làng nghề, vùng nông nghiệp sinh thái; xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển loại hình sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; có chế độ ưu đãi đối với lao động du lịch tay nghề giỏi… Song song với đó là quan tâm nâng cấp mở rộng, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du lịch như đề xuất hình thức đầu tư, hoàn thiện trục giao thông kết nối các điểm du lịch; tạo cảnh quan dọc đê sông Cầu, sông Đuống; tiếp tục triển khai các dự án cầu vượt sông Đuống đoạn phố Núi (Gia Bình) - phố Mới (Quế Võ), đoạn Lương Tài-Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương)… Ngoài ra, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng của T.Ư và của tỉnh; mở kênh quảng bá du lịch trực tuyến; tổ chức các sự kiện như Tuần Văn hoá-Du lịch, Festival Về miền Quan họ, hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ, các đoàn famtrip…; đề xuất quảng bá logo, slogan “Về miền Quan họ” trên các phương tiện vận tải hàng không, xe khách, taxi... Hoạt động phát triển mở rộng, đa dạng hóa thị trường khách du lịch và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới cũng là một giải pháp quan trọng được đặt ra.

Cùng với đó, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bắc Ninh đã và đang đang tập trung hoàn thiện hệ thống tour, tuyến, điểm du lịch hấp dẫn, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ tiện ích, chất lượng cao để phục vụ du khách. Đến nay, ngành du lịch đã bước đầu hình thành một số tour trọng điểm như: Bên dòng Như Nguyệt (đền Bà Chúa Kho - làng cổ Quan họ Viêm Xá - các di tích chiến tuyến sông Như Nguyệt - làng Tiến sỹ Kim Đôi - trải nghiệm làng nghề gốm Phù Lãng). Huyền thoại một dòng sông với các điểm đến là: Lăng Kinh Dương Vương - chùa Dâu- chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ - chùa Phật Tích - núi Thiên Thai, đền thờ Lê Văn Thịnh - làng mây tre Xuân Lai - khu di tích Lệ Chi Viên - chùa Đại Bi - đền thờ Cao Lỗ Vương  - bến Bình Than. Ngoài ra, còn nhiều tour du lịch trải nghiệm cuối tuần, khám phá làng quê Bắc bộ hoặc các tour chuyên đề theo dòng lịch sử, khám phá chùa cổ, hành trình qua các đền thờ Thủy tổ... Anh Trần Nguyễn Hoàng Đức, khách du lịch đến từ tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Cùng với du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng thì du lịch văn hóa, du lịch tâm linh đang là lựa chọn của không ít du khác. Đến với Bắc Ninh, tôi thực sự bị ấn tượng bởi những danh thắng văn hóa. Đây sẽ là động lực để tôi trở lại để tiếp tục khám phá mảnh đất giàu tuyền thống văn hóa này”.

Được biết, mục tiêu phấn đấu của ngành du lịch tỉnh Bắc Ninh là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thép đó, đến năm 2030 sẽ đón 7 triệu lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt khoảng 7 nghìn tỷ đồng vào năm 2030; đồng thời Bắc Ninh sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, nhất là “kho tàng” giá trị văn hóa truyền thống cùng các giải pháp đồng bộ, phù hợp sẽ là cơ sở quan trọng để du lịch Bắc Ninh phát triển; vừa đưa lại những giá trị kinh tế, vừa gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống. Từ đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của quê hương Kinh Bắc – Bắc Ninh./.

Quang Đạo