Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số, Bắc Ninh đã sớm tiếp cận chủ trương của Chính phủ, chủ động ban hành Nghị quyết 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với ba trụ cột chính gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thực hiện nghi thức khai trương phần mềm phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động (Ảnh: Sở Thông tin và Truyền thông)

 

Đến nay, đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp huyện;thành lập 733 Tổ công nghệ số cộng đồng ở tất cả các thôn, khu phố với 3.252 thành viên.

Thời gian qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác chuyển đổi số trên địa bàn đang mang lại một số kết quả tích cực. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Các cơ quan Đảng, nhà nước được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng 4G được phủ sóng rộng khắp, 100% thôn, khu phố được cáp quang hóa, an toàn thông tin được bảo đảm.

Các hệ thống thông tin dùng chung như quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống hội nghị truyền hình, camera giám sát, ứng dụng phản ánh kiến nghị... hoạt động có hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh năm 2021 xếp thứ 4 toàn quốc, trong đó chính quyền số xếp thứ 4; kinh tế số xếp thứ 6; xã hội số xếp thứ 6. Bắc Ninh bước đầu làm tốt về vấn đề nhận thức số, đã tham gia kênh truyền thông Chuyển đổi số quốc gia trên Zalo, xây dựng nguồn nhân lực số, an toàn thông tin mạng và phát triển chính quyền số.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trên địa bàn còn một số tồn tại. Cụ thể, một số cơ quan đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao; ứng dụng những tiến bộ mới, công nghệ mới trong công nghệ thông tin còn hạn chế. Người đứng đầu một số ngành, đơn vị, địa phương chưa gương mẫu, đi đầu thực hiện. Cơ chế, chính sách của ngành chưa hoàn thiện, chậm được ban hành. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tỷ lệ phát sinh hồ sơ của nhiều cơ quan, địa phương còn thấp.

Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền có mặt chưa được quan tâm. Vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa cao, thiếu chủ động tư duy, giải pháp đột phá triển khai chuyển đổi số. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân và trong đời sống xã hội còn chưa đầy đủ, chưa phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Do đó, để thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số trên địa bàn trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số một cách tích cực, hiệu quả; đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số là tiêu chí đánh giá trách nhiệm và bình xét thi đua khen thưởng đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đặc biệt, khi đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số phải bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ, tránh chồng chéo. Đối với các ứng dụng chuyên ngành, triệt để sử dụng các sản phẩm phần mềm do bộ, ngành Trung ương đầu tư triển khai theo ngành dọc, bảo đảm đồng bộ, tích hợp, liên thông từ cấp tỉnh đến Trung ương.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về các nền tảng số; quán triệt các văn bảo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về chuyển đổi số nhằm nâng nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về quan điểm, chủ trương và vai trò, vị trí, tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số, cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số./.


Nguyễn Thị Lệ Tuyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông