Chùa cổ Pháp Vân Tự tức chùa Dâu ở xã Thanh Khương, thị xã Thuận Thành là một trong những ngôi chùa có công trình kiến trúc độc đáo, mang nhiều giá trị tâm linh - nơi khởi nguồn của đạo Phật. Ngoài cái tên chùa Dâu, ngôi chùa này còn được người dân nơi đây gọi với nhiều cái tên đặc biệt khác như Chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Thiền Định tự.

Theo tìm hiểu, chùa Dâu có lịch sử hình thành sớm nhất ở Việt Nam, mặc dù các dấu tích vật chất hầu như không còn vì đã được xây dựng lại. Năm 2013, chùa Dâu được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Trao bằng công nhận Bảo vật quốc gia đối với Mộc bản chùa Dâu (Ảnh: Đức Thắng)

Đây không chỉ là công trình có giá trị về mặt lịch sử văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, mà còn có ẩn chứa cả quá trình phát triển của nền kiến trúc cổ Việt Nam, được xem là ngôi chùa cổ nhất của cả nước. Hiện, chùa còn lưu giữ nhiều tài liệu, cổ vật quý giá, tiêu biểu như bia đá, khánh đá, chuông đồng...

Trong tâm thức người dân vùng Dâu, Lễ hội chùa Dâu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của họ bởi nó không chỉ là nhu cầu về tâm linh, mà nơi đây còn là nguồn cội là Tổ đình của Phật giáo Việt Nam. Hoà mình trong hoạt động văn hóa cộng đồng dân gian sôi động của lễ hội, người dân còn gửi gắm tâm nguyện về những điều tốt lành và cầu mong cho mưa thuận gió hòa - một ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.

Lễ hội chùa Dâu diễn ra hàng năm từ ngày 13 - 15/5 (tức ngày 6 - 8/4 âm lịch) với các nghi thức tế lễ truyền thống tại chùa Dâu và các chùa trong hệ thống thờ Tứ pháp.

Mộc bản chùa Dâu được công nhận Bảo vật quốc gia (Ảnh: Đức Thắng)

Tháng 1/2024, Mộc bản chùa Dâu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Bộ mộc bản gồm 107 ván khắc, hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: Truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa...

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang nghe đại diện Trung tâm Bảo tồn và Xúc tiến du lịch tỉnh giới thiệu về Mộc bản chùa Dâu (Ảnh: Đức Thắng)

Các nhà nghiên cứu đã tạm phân loại thành 13 bộ khác nhau gồm: Cổ Châu hạnh, Cổ châu lục, Cổ Châu nghi, Âm chất giải âm, Nhân quả quốc ngữ, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn, Thỉnh Long Vương nghi, Công đức, Mục Liên, Tam giáo, Phù chú và Tồn nghi là những ván chưa xác định được tên gọi.

Mỗi ván khắc có tiết diện hình chữ nhật, hầu hết đều có kích thước trung bình dài từ 40 - 47cm, rộng từ 19 - 24cm, độ dày ván từ 1,5 - 2,5cm; có 92/107 ván được khắc 2 mặt và 15/107 ván khắc một mặt. Một số ván khắc đan xen những đồ hình minh họa được bố cục chặt chẽ, hài hòa với phần văn tự.

Bộ mộc bản gồm 107 ván khắc là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản…

Mộc bản chùa Dâu được công nhận Bảo vật quốc gia (Ảnh: Đức Thắng)

Theo dữ liệu lịch sử, Mộc bản chùa Dâu được san khắc vào thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn. Chữ trên mộc bản đều là chữ Hán cổ và chữ Nôm được khắc âm bản, đường nét mềm mại, có tính thẩm mỹ cao nên khi in ra giấy dó rất sắc nét. Chất liệu ván in đều được làm bằng gỗ cây thị, trải qua thời gian gần 300 năm, những ván khắc ở chùa Dâu vẫn còn khá nguyên vẹn, đủ số chữ, sắc nét, rõ ràng.

Việc Mộc bản chùa Dâu được công nhận Bảo vật quốc gia là căn cứ pháp lý quan trọng thể hiện sự công nhận của Nhà nước đối với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật lâu dài, và là cơ sở để tỉnh Bắc Ninh thực hiện trùng tu, tôn tạo trong thời gian tới.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11 năm 2022), tỉnh Bắc Ninh là một trong các địa phương có 3 hiện vật được công nhận đợt này.

Đó là Thạp đồng văn hóa Đông Sơn, cách nay 2.200-2.300 năm (thế kỷ III-II Trước Công nguyên) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (thành phố Từ sơn); Bia đá chùa Tĩnh Lự năm 1648, niên đại ngày 28/8/1648, niên hiệu Phúc Thái thứ 6, hiện lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm (huyện Gia Bình); Tượng Quan Thế âm chùa Cung Kiệm, năm 1449, niên đại năm Kỷ Tỵ 1449, niên hiệu Thái Hòa thứ 7, hiện được thờ tại chùa Cung Kiệm, Thượng phúc tự thuộc xã Nhân Hòa (thị xã Quế Võ).

Như vậy, cùng với Mộc bản chùa Dâu được công nhận vào tháng 01/2024 và 03 bảo vật kể trên, hiện Bắc Ninh đã sở hữu 14 Bảo vật quốc gia gồm: Bộ tượng Phật Tam thế, Hương án và Tòa Cửu phẩm liên hoa, Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay (chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành); Ba pho tượng Tam Thế (chùa Linh Ứng, xã Gia Đông, thị xã Thuận Thành); Cột đá chạm rồng chùa Dạm; Bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu (chùa Dâu, chùa Phi Tướng, chùa Dàn, thị xã Thuận Thành); Cửa võng đình Diềm; Bia Tiến sĩ (Văn Miếu Bắc Ninh, thành phố Bắc Ninh); Tượng phật Adiđà (chùa Phật Tích, huyện Tiên Du); Bia “Xá Lợi Tháp Minh” (Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, thành phố Bắc Ninh); Rồng đá - Xà thần (đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình); Bộ tượng 10 linh thú Chùa Phật Tích; Mộc bản sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”./.

PV