1. Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy (Nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh): "Xây dựng người nông dân trong thời đại nông nghiệp 4.0"


Trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao tạo đột phá về năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, tôi mong muốn Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh trong nhiệm kỳ tới sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tiếp cận các thành tựu KHKT mới, công nghệ sinh học vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản; đưa “tri thức” đến với người nông dân, hình thành đội ngũ nông dân có tri thức và tác phong công nghiệp đáp ứng yêu cầu nền nông nghiệp tiên tiến. Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; nhân rộng mô hình “nông dân dạy nông dân”; xây dựng các mô hình điểm, mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó góp phần từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực nông; tạo đà để nông dân Bắc Ninh, nông dân Việt Nam đến gần hơn với nông dân các nước tiên tiến về trình độ sản xuất và năng suất lao động, xây dựng người nông dân trong thời đại mới – thời đại nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0./.

2. Ông Lê Thanh Bình – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Võ: "Cần hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản.."

Xây dựng thương hiệu là việc làm cần thiết giúp nâng cao giá trị của nông sản hàng hóa. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã hình thành được rất nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với những sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên vấn đề xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu nông sản còn chưa được quan tâm đúng mức. Tôi mong muốn rằng trong nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân các cấp tăng cường phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo hướng tập trung, chú trọng nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dần khẳng định “danh tiếng” trên thị trường. Đồng thời tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền – nông dân – doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân hoàn thiện hồ sơ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá những sản phẩm có thương hiệu. Tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề để thống nhất quan điểm trong việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hạn chế sản xuất tự phát, làm ảnh hưởng đến thương hiệu các sản phẩm địa phương trong mắt người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

3. Ông Hoàng Đắc Lâm – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình: "Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội".


Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Hội viên, nông dân cần hiểu đúng, hiểu rõ, hiểu đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có như vậy mới tuân thủ, chấp hành. Do vậy, bên cạnh việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân; kịp thời định hướng dư luận xã hội tại cơ sở đặc biệt là ở những địa phương có vấn đề nổi cộm; Hội Nông dân các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những khúc mắc của nông dân ngay từ cơ sở. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, cấp phát nhiều tờ rơi, tài liệu tuyên truyền cho các chi, tổ Hội làm tài liệu sinh hoạt. Từ đó giúp hội viên, nông dân đến gần, tiếp cận đúng với chính sách, pháp luật; nâng cao ý thức trong chấp hành pháp luật.

4. Nguyễn Đình Cao – Chi Hội trưởng chi Hội Nông dân thôn Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du: "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ Hội.."

Sinh hoạt chi, tổ Hội là hình thức thu hút, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội. Do đó, để thu hút, tập hợp nông dân tham gia sinh hoạt và tích cực tham gia các hoạt động phong trào Hội thì trước tiên cần chú trọng nâng cao chất lượng chi, tổ Hội. Trong đó chú trọng đổi mới phương thức sinh hoạt, đa dạng hóa nội dung, tập trung hướng đến những vấn đề nông dân đang có nhu cầu tìm hiểu, trao đổi như: thông tin thị trường, chuyển giao tiến bộ KHKT, các cơ chế, chính sách mới hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Bên cạnh đó, việc lồng ghép các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, giao lưu giữa các chi, tổ Hội sẽ tạo thêm sự gắn kết giữa các hội viên, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho hội viên, nông dân.

5. Nguyễn Thị Trâm – Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, Lương Tài): "Đẩy mạnh hỗ trợ vốn và liên kết tiêu thụ nông sản".


Để nông dân phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các cấp Hội Nông dân cần có giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là hỗ trợ về vốn và khâu tiêu thụ sản phẩm. Có vốn mới có thể đầu tư sản xuất ở quy mô lớn và tập trung. Đồng thời vấn đề tiêu thụ sản phẩm; chủ động liên kết với các doanh nghiệp, đầu mối thu mua nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản, hạn chế tình trạng bị tư thương ép giá, “được mùa mất giá”; tạo điều kiện để các hộ sản xuất trên cùng một lĩnh vực giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết để cùng sản xuất./.

Nguyễn Thu (Thực hiện)