Từ xa xưa, mảnh đất Cổ Pháp vốn được coi là nơi “địa linh nhân kiệt” với câu ca lưu truyền trong dân gian: “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp”. Đây đồng thời cũng là nơi phát tích của nhà Lý - một trong những vương triều thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đền Đô hiện là nơi thờ phụng 8 vị vua nhà Lý - những vị Vua có công khai sáng nền văn minh Đại Việt, mở đầu giai đoạn xây dựng nhà nước phong kiến độc lập tự chủ và phát triển cường thịnh nhất trong lịch sử dân tộc.
Được xây dựng theo cấu trúc của “kinh đô” (nơi vua ở), Đền Đô có tổng diện tích 31.250 m2 với 21 hạng mục, chia thành 2 khu vực: nội thành và ngoại thành. Với nhiều công trình kiến trúc như Nhà Văn Chỉ, Nhà Võ Chỉ, Hậu Cung, Nhà Tiền Tế, Nhà Thủy đình, Hồ Bán nguyệt, Khu nhà bia, Bức Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô)…, các công trình nằm trong Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô đều được xây dựng công phu, đắp vẽ chạm khắc kỳ công, độc đáo.
Ghi nhận những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô, tháng 3/2015, cùng với Khu Lăng mộ các Vua nhà Lý, Đền Đô đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Hiện nay, Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô là một trong những điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu.
Cổng chính dẫn vào Đền Đô được chạm trổ theo lối kiến trúc truyền thống
Nhà Văn Chỉ với khuôn viên 720 m2 có nhà Tiền đường rộng 5 gian, 4 mái, 4 hàng cột lim nằm bên phải đền thờ chính và ngay ở cổng vào Đền Đô
Nhà Võ Chỉ, nơi thờ những quan võ tiêu biểu: Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu và Lý Thường KiệtCổng Ngũ Long Môn dẫn vào Khu Nội thành Đền Đô với hai cánh cổng có chạm khắc hình 5 con rồng. Mỗi khi cánh cổng này mở ra, sẽ như hình dáng con rồng bay lên cao.
Ngoài những giá trị văn hóa, lịch sử, Đền Đô còn là một công trình kiến trúc đặc sắc với nghệ thuật điêu khắc đá, điêu khắc gỗ, tạc tượng thờ và hệ thống đỉnh đồng trang trọng trong sân chính thuộc Khu Nội thành
Chính điện được sắp xếp theo lối truyền thống
Cổ Pháp điện gồm 7 gian, rộng 180m2 là nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà LýBức Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) của vua Lý Thái Tổ với 214 chữ Hán làm bằng gốm Bát Tràng
Được xây dựng giữa Hồ Bán nguyệt, Nhà Thủy đình rộng 5 gian, có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong. Đây là nơi để các chức sắc ngày trước ngồi xem biểu diễn rối nước