Ban Tổ chức tiến hành các nghi thức đầu tiên cho lễ hội (Ảnh: Hữu Thắng)
Ngày 13/3 (tức ngày 4/2 năm Giáp Thìn 2024), tại đình Phú Lộc, khu Nghi Khúc, phường An Bình thị xã Thuận Thành đã diễn ra lễ hội truyền thống. Xôi, gà sau khi tế lễ được đưa ra sân đình dự thi.
Theo cụ Đào Văn Tâm, Trưởng ban Hương lão của đình, lệ thi xôi gà trình thánh tuổi 50 một năm tổ chức 4 lần, bao gồm mồng 1 tháng 1 tức mồng 1 Tết; mồng 4 tháng 2 hội làng; 15 tháng 9 Tết cơm mới và giỗ cụ thần nông mồng 1 tháng 12 âm lịch. Gia đình nào trong khu có người đến tuổi 50 được trình xôi, gà sẽ được dân làng báo trước một năm để chuẩn bị nuôi gà.
Gà để dâng lễ được chọn ngay từ khi nuôi với nhiều yêu cầu kỹ lưỡng (Ảnh: Hữu Thắng)
Để đáp ứng những tiêu chí khắt khe đó, người dân trong làng thường chọn những giống gà Hồ, gà Đông Tảo, gà lai Pháp… Gà được chọn phải nhốt riêng, không được cho ăn thức ăn bẩn, cơ bản là gạo xay, ngô đỏ và nước sạch, phải đạt từ 4,5kg trở lên. Gà khi dâng lễ yêu cầu không sứt sát và phải khâu thật khéo để không thấy các vết cắt. Để gà có thể đứng được trên mâm, khi làm gà xong phải lấy thanh tre, lạt định hình để cổ gà phải đứng, mỏ ngang về phía trước, đôi cánh dang rộng, chân hơi quỳ làm sao cho gà đứng được rồi mới cho vào luộc. Quá trình luộc gà cũng rất kỳ công khi phải dội nước sôi từ đầu xuống để cho gà khỏi đen đầu, nước luộc gà sôi lăn tăn và phải ngâm gà từ 6 đến 8 tiếng, bảo đảm gà chín nhưng vẫn nguyên vẹn.
Mâm lễ xôi được đồ băng gạo nếp cái hoa vàng, dẻo thơm. Sau khi tế lễ trong đình, lễ xôi-gà được chuyển ra sân đình. (Ảnh: Hữu Thắng)
Bên cạnh gà, xôi dâng lên Lạc Thị Tam Đại vương cũng được làm cẩn thận, gạo nấu xôi phải là gạo nếp cái hoa vàng dẻo thơm, phải loại bỏ hạt đốm, vàng, đen, đem vo gạo đến trong nước rồi đem ngâm và đãi sạch mới nấu thành xôi. Khi bày lên mâm xôi phải có bề mặt mịn, không có vết nứt và có màu trắng tinh, đáp ứng từ 15 - 20kg một mâm xôi.
Theo người dân trong làng, mâm xôi khi đem ra dâng đình không được cho muối, chỉ có nếp trắng và nước trong, nhưng khi đồ lên vẫn đậm đà, dẻo thơm. Đặc biệt, dù xôi đã được nấu sớm, trước 7 giờ sáng phải mang ra đình nhưng đến trưa khi thụ lộc, xôi vẫn còn ấm, dẻo.
Những mâm xôi đoạt giải được Ban Tổ chức ''đánh dấu'' bằng quả cau, lá trầu (Ảnh: Hữu Thắng)
Sau khi tế lễ tại đình, lễ xôi gà sẽ được mang ra sân đình dự thi. Tiêu chuẩn xôi phải trắng, mặt phẳng một màu từ trên xuống dưới. Gà đoạt giải phải được luộc chín, đứng trên mâm không đổ, màu da vàng hai cánh thẳng, đầu mỏ không chổng lên, không chúc xuống, không thiếu bộ phận nào của cơ thể con gà, nếu thiếu sẽ bị loại. Đặc biệt, lông tơ phải sạch sẽ, gà được chọn trao giải nhưng đến khi chặt gà nếu gà bị đỏ sẽ bị loại. Mỗi mâm xôi, gà được giải, nhà đình sẽ thưởng một quả cau, một lá trầu và một chữ phúc.
Gà được chọn trao giải nhưng đến khi chặt gà nếu gà bị đỏ sẽ bị loại (Ảnh: Hữu Thắng)
Sau khi tế lễ tại đình, lễ xôi - gà sẽ được mang ra sân đình dự thi. Người chấm thi lấy tuổi 54 của làng cùng người có chuyên môn. Tiêu chuẩn xôi phải trắng, mặt phẳng một màu từ trên xuống dưới, bốn mâm xôi sẽ lấy một giải, tất cả đồng giải Nhất.
Ban Tổ chức trao giải Nhất cho gia đình có gà đẹp nhất (Ảnh: Hữu Thắng)
Tương truyền rằng, những người được giải xôi, gà làm ăn phát đạt, hạnh phúc viên mãn. Trong số 13 mâm xôi gà dâng lễ năm nay, Ban Tổ chức quyết định trao đồng giải Nhất cho 3 gà và 3 mâm xôi.
Có thể nói, phong tục lễ xôi - gà thể hiện sự tài hoa, tâm huyết, góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc./.