Dân địa phương gọi Chân Lạc là Choá Chợ còn Gia Trung là Choá Bến để phân biệt Choá trên và Choá dưới trong tổng Choá. Choá Bến có nghề cổ truyền làm nhang đen rất lâu đời.

Xưa tất cả các gia đình đều làm nghề này nhưng nay chỉ còn khoảng hơn 20 hộ giữ nghề, trong số đó chỉ còn vài nhà giữ nghề gốc làm bằng tay theo cách làm của các cụ xưa còn lại thì làm bằng máy.

Sự cần mẩn, tỷ mỷ trong từng thao tác

Nhang đen cổ truyền được làm từ nhựa cây trám. Nhựa trám được giã bằng cối giã gạo rồi đem nấu với than của cây đỗ tương hoặc cây sắn với tỷ lệ 1kg nhựa với 5-6kg than. Hỗn hợp nhựa và than được quấy kỹ sau đó đem lọc qua rơm nếp để loại bỏ cặn hay các mảnh cây sót lại rồi vắt thành quả khi đó được nguyên liệu làm nhang.

Các que hương thành phẩm

Khi làm nhang người ta đem các quả nhựa ra nấu lại đánh thật kỹ rồi vắt lên bàn dùng tay se vào que tăm đê ra nén nhang đen.

Nghề làm nhang đen là một nghề vất vả, để giã được một cân nhựa dẻo không phải là chuyện dễ dàng, đến khi nấu, lọc với than tay và mặt ai nấy đều đen nhẻm. Các quả nhựa phải còn nóng mới có độ dẻo để se vào tăm nhang bởi thế bàn tay của những người thợ se nhang vào mùa đông thường nứt nẻ nhìn tay phụ nữ rất mềm dẻo và đẹp nhưng khi cầm tay họ mới cảm nhận làn da dày và chai sạn.

Những bàn tay đen và chai ấy đẹp bởi nó thơm ngát thanh tịnh thứ hương thơm sạch và lành chất phác lương thiện của mồ hôi thấm đẫm.

Làm nhang đen là nghề vất vả nhưng vui

Dù là ngày tết hay ngày thường nếu trong nhà có nén nhang đen thắp cùng bình bông huệ bạn sẽ thấy sảng khoái vô cùng.

làn da dày và chai sạn của một phụ nữ trong làng làm nhang

Có những lúc đi ngang con ngõ nhỏ thoáng mùi nhang đen tự nhiên lòng xốn xang cảm giác xuân về giữa đất trời.

Hương nén nhang đen, quyện hương cốm, hương nếp, hương huệ, hương ly rượu hoa cúc trên bàn thờ tổ tiên là một phần ký ức không phai nhạt của đời người về nguồn cội.

Ngày nay, nghề làm nhang đen đang bị mai một dần

Những người giữ nghề, những nén nhang sạch đang mai một dần bởi hoá chất và sự xô bồ. Muốn lưu lại một mùi hương, lưu lại ký ức nhưng cơm áo chẳng phải chuyện đùa.../.

Tuân Phạm