Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 17.000 doanh nghiệp hoạt động với hàng nghìn lao động; các chuyên gia nước ngoài làm việc trên địa bàn. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn có khả năng ổn định sản xuất như ngành chế biến thực phẩm, nông sản, thủ công mỹ nghệ… do doanh nghiệp đã chủ động kế hoạch sản xuất từ năm 2019. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiêp ngành sản xuất công nghiệp (đặc biệt là máy móc, thiết bị công nghiệp các loại) đang gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất khi 50% kim ngạch xuất khẩu và 30% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cùng với đó, doanh nghiệp thương mại dịch vụ, đặc biệt là ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do khách hủy tour, tuyến, khách sạn, nhà hàng.
Một góc Khu công nghiệp Yên Phong.
(Nguồn: baobacninh.com.vn)
Trước những diễn biến bất lợi trên, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh cùng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân và doanh nghiệp hoạt động; trong bối cảnh dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền thông tin về diễn biến dịch bệnh và các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh để doanh nghiệp và người lao động yên tâm, ổn định sản xuất kinh doanh. Phân công đầu mối chủ động liên lạc với các doanh nghiệp để động viên, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn. Cục Hải quan Bắc Ninh có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Tại cuộc làm việc trực tiếp gần đây nhất với gần 20 doanh nghiệp trên địa bàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã trao đổi, động viên trước những khó khăn của doanh nghiệp cũng như lắng nghe các ý kiến, hiến kế của các doanh nghiệp; bày tỏ vui mừng khi trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển hướng, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, có bước đi phù hợp và vẫn phát triển tốt.
Ghi nhận các ý kiến góp ý tại cuộc làm việc, đa số các đại diện doanh nghiệp tham dự, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đều bày tỏ sự quyết tâm, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn... Chủ tịch Hội đề nghị tỉnh có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp như: xem xét cho doanh nghiệp giãn nợ vay ngân hàng, giảm lãi suất vay, giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp thuế trong một thời gian nhất định; chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho lao động tạm thời nghỉ việc…
Trên cơ sở những ý kiến về những giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn này, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, giảm thiểu khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp tăng cường kết nối cung - cầu, đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm sự phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài.
Ngay khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành đã khẩn trường triển khai nhiều biện pháp như hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể: ngành Công thương tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là các nguyên liệu ngành dệt may, da giày, điện tử…; rà soát, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu như thị trường Nga, Châu Mỹ La tinh, Châu Phi; hướng dẫn doanh nghiệp các tiêu chuẩn, quy cách, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu; tăng cường trao đổi thông tin với Sở Công thương các tỉnh, thành phố khác để giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp các tỉnh, thành để hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Cục Thuế rà soát tình hình sản xuất kinh doanh của người nộp thuế trong diện quản lý, đồng thời đánh giá, dự báo mức độ ảnh hưởng của dịch đến các doanh nghiệp, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn thuế giá trị gia tăng và tiền sử dụng đất cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Cục Thuế sẽ hướng dẫn làm thủ tục gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp.
Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định nội bộ về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo hướng dẫn của Hội sở chính; chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; xem xét, đề xuất miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; cắt giảm các thủ tục không cần thiết để hạn chế đi lại và khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để giao dịch./.