Dù tăng nhẹ so với tháng trước (tăng 2,62%), nhưng không nằm ngoài dự báo, IIP tháng 5/2023 của tỉnh Bắc Ninh vẫn giảm nhiều so cùng kỳ.

Sở dĩ có sự tăng trưởng này là do 19/24 ngành cấp 2 của tỉnh đều có mức sản xuất tăng, một số ngành tăng khá như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+13,09%); trang phục (+7,79%); hóa chất và sản phẩm hóa chất (+7,33%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) (+16,71%); thiết bị điện (+15,4%); sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+1,38%)...

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh giảm sâu, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm tới 19,15% (Ảnh: Thanh Tâm)

Tuy nhiên nếu so với cùng tháng năm trước thì IIP chung toàn ngành công nghiệp của tỉnh giảm khá nhiều (-13,49%). Nguyên nhân là do 14/24 ngành cấp 2 có chỉ số sản xuất giảm so với tháng cùng kỳ, một số ngành giảm nhiều như: Sản xuất trang phục (-29,19%); giấy và sản phẩm từ giấy (-8,59%); hóa chất và sản phẩm hóa chất (-30,43%); sản xuất thiết bị điện (-29,84%); sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (-29,24%).

Đặc biệt, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh giảm tới 14,11% đã tác động đến IIP chung toàn ngành công nghiệp của tỉnh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước vẫn ở mức thấp, đây cũng là thách thức đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Cùng xu hướng với sản xuất công nghiệp, số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/5/2023 tăng nhẹ so với cùng thời điểm tháng trước (+0,71%) nhưng giảm 12,14% so với cùng thời điểm năm trước.

Cục Thống kê Bắc Ninh phân tích, tính chung 5 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 11,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,17%.

Mặc dù IIP giảm sâu nhưng ở chiều ngược lại vẫn có những điểm sáng về kinh tế. Đó là hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 tăng 16% so với cùng tháng, 5 tháng đầu năm tăng 22%; số doanh nghiệp đăng ký mới 5 tháng đầu năm 2023 tăng cả về số lượng danh nghiệp và tổng vốn đầu tư đăng ký, cũng như quy mô vốn đăng ký bình quân của 1 doanh nghiệp./.

Anh Tuấn