Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn chủ trì tại điểm cầu Bắc Ninh và có bài tham luận trình bày tại Hội nghị (Ảnh: HY)
Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị nêu rõ: Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính, ngân sách; điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt; tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh. Kết quả, tính đến ngày 15/12, thu ngân sách cả nước đạt hơn 1.691,8 ngàn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán pháp lệnh Quốc hội, Chính phủ giao. Trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 19,3%, thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, triệt để, tiết kiệm, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Tại Hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đạt được, thống nhất mục tiêu và 11 nhóm giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính năm 2023.
Phát biểu tham luận tại điểm cầu Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2022 thu ngân sách trên địa bàn hơn 30.500 tỷ đồng, đạt 99,4% dự toán. Trong đó, thu nội địa hơn 23.200 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu ước thực hiện 7.600 tỷ đồng. Về chi ngân sách địa phương hơn 18.000 tỷ đồng, đạt 96% dự toán. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh còn thấp do một số dự án trọng điểm chưa hoàn thành thủ tục đấu thầu để triển khai thi công trong năm 2022.
Đối với nhiệm vụ năm 2023, Bắc Ninh bày tỏ đồng tình và quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Trung ương, Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh. Đồng thời, kiến nghị 2 nhóm giải pháp cần thực hiện trong những ngày cuối năm 2022 và năm 2023: Có giải pháp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đảm bảo tính thanh khoản của thị trường tài chính, đảm bảo dòng tiền cho các doanh nghiệp và kéo chi phí vốn của doanh nghiệp giảm xuống ở mức hợp lý; khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản hiện nay. Đối với việc tăng tỷ lệ điều tiết về Trung ương, ngân sách Trung ương nghiên cứu tăng chi đầu tư bổ sung có mục tiêu cho một số công trình trọng điểm có vai trò kết nối liên vùng và tác động lan tỏa, không chỉ cho Bắc Ninh mà cho kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc. Đối với những địa phương có nguồn cải cách tiền lương lớn, sau khi cân đối xong nguồn để tăng lương cơ sở và đảm bảo cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ báo cáo với Quốc hội cho phép sử dụng nguồn dư từ cải cách tiền lương để chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các công trình hạ tầng có tác động liên vùng và tạo dư địa, không gian cho tăng trưởng mới.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành thực hiện hiệu quả phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới, sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả”. Bên cạnh việc rút ra các bài học kinh nghiệm trong điều hành lĩnh vực tài chính, thu ngân sách, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách để bảo đảm an toàn tài chính Quốc gia; xây dựng chương trình hành động, chính sách tài khóa hiệu quả, chú trọng công tác phối hợp; cân đối thu chi. Đồng thời, rà soát hoàn thiện các thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tinh gọn bộ máy; tăng cường công tác thanh, kiểm tra; khắc phục hạn chế, yếu kém và tăng cường hợp tác quốc tế để tạo đột phá và đạt nhiều kết quả mới trong lĩnh vực tài chính, thu ngân sách năm 2023./.