Hội thảo Văn hóa 'Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" sẽ diễn ra vào ngày 17/12 tại Bắc Ninh.

Nói về việc tổ chức hội thảo văn hóa lớn ngay sau hội thảo của Ban Tuyên giáo Trung ương vừa diễn ra cuối tháng 11, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết: “Văn hóa phải bàn nhiều, đây là một vấn đề rất lớn, rất khó, xã hội càng phát triển thì càng tiếp tục phải bàn, thảo luận các chính sách mới để theo kịp cuộc sống”. Chủ đề Hội thảo được cân nhắc rất kỹ, với 3 vấn đề lớn dưới góc độ quản lý nhà nước, đó là thể chế, chính sách và nguồn lực.

Thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, thậm chí còn điểm nghẽn nên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh, nếu nghiên cứu một cách thỏa đáng, sâu sắc, toàn diện và giải quyết được các vấn đề thì sẽ khơi thông được nguồn lực, tạo được môi trường để văn hóa phát triển.

Về tầm quan trọng của hội thảo, ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Đây là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức… tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa”.

Hội thảo gồm 2 phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có 1 báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia.

Trong phiên chuyên đề, Hội thảo sẽ nghe phát biểu của lãnh đạo Quốc hội, đề dẫn của lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, báo cáo của các bộ, ngành, ý kiến tham luận và thảo luận của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, cơ sở văn hóa - nghệ thuật và các chuyên gia về quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cùng những vấn đề đặt ra qua các góc nhìn khác nhau.

Trong phiên toàn thể, Hội thảo sẽ nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội XIII xác định, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới là vấn đề tất yếu để bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững. Đồng thời, cũng là nhu cầu khách quan trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước.

Nếu như Hội thảo của Ban Tuyên giáo Trung ương hồi cuối tháng 11 tập trung vào xây dựng hệ giá trị Việt Nam - một đòi hỏi cấp thiết, thì Hội thảo ngày 17/12 tới sẽ tập trung giải quyết vấn đề về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực cho phát triển văn hóa, vừa cố gắng đưa ra các chiến lược dài hạn vừa giải quyết các vấn đề cụ thể, đưa ra các quyết sách đúng cho phát triển văn hóa.

Theo PGS.TS Lương Đình Hải - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), chuẩn mực con người chính là chìa khóa phát triển xã hội. Chuẩn mực con người còn là sản phẩm quá trình nhận thức của các chủ thể người khác nhau. Trong đời sống con người có nhiều loại phẩm chất, yếu tố, đặc tính, quan hệ xã hội khác nhau, từ quan hệ trong gia đình đến quan hệ ngoài xã hội, từ quan hệ với quá khứ đến quan hệ với hiện tại và tương lai.

Hệ giá trị con người được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, được sàng lọc, gạt bỏ, bổ sung, tiếp biến và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Hệ giá trị con người được lưu giữ, truyền bá từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành tài sản, hành trang của các thế hệ mang suốt cuộc đời. Nó trở thành thước đo suy nghĩ, hành vi, hoạt động của mỗi con người, cộng đồng trong xã hội, của từng thời kỳ lịch sử cụ thể, là “khuôn vàng thước ngọc” để mỗi người và cả cộng đồng định hướng cho các suy tư, hành vi và hoạt động của mình.

Ở mỗi giai đoạn phát triển của con người và xã hội, hệ giá trị con người có những thay đổi nhất định. Điều đó lại dẫn đến sự thay đổi các chuẩn mực cụ thể trong đời sống con người và cộng đồng.

Lấy chuẩn mực con người để liên hệ chủ đề hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” tới đây thấy được “chìa khóa” phát triển xã hội. Việt Nam rất quan tâm bảo tồn và phát triển văn hóa, tuy nhiên một số rào cản cần được nghiên cứu, khơi thông tạo động lực cho văn hóa phát triển.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Hội thảo sắp tới thu được 105 bài tham luận chất lượng. Trong đó có những bài tham luận rất tâm huyết từ những bộ trưởng không thuộc lĩnh vực văn hóa, và của những người trực tiếp làm văn hóa.

Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, để chuẩn bị Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, địa phương đã hoàn tất các phương án: Hội trường, các phòng chức năng, cơ sở vật chất; công tác trang trí, khánh tiết, tuyên truyền trực quan trong và ngoài khu vực tổ chức. Bên cạnh đó là kế hoạch dự phòng những vấn đề phát sinh nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhất cho Hội thảo Văn hóa 2022.

TL