Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam chúc mừng các doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh tại Bắc Ninh.

Đại hội XIII của Đảng cũng đã khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của phát triển nền kinh tế tri thức gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sự nghiệp đổi mới, hiện thực mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hòa chung với dòng chảy của đất nước, định hướng đến năm 2030, Bắc Ninh phấn đấu xây dựng một thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại – dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe; nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng thủ đô và cả nước.

Trên thực tế, môi trường đầu tư hấp dẫn, an ninh chính trị ổn định, cách làm năng động, sáng tạo của Bắc Ninh đã được minh chứng bằng chính sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có những Tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung (Hàn Quốc), Foxconn (Trung Quốc), VSIP (Singapore)... Từ đó, kéo theo hàng trăm doanh nghiệp phụ trợ, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp, điện tử, viễn thông, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ của cả nước.

Một minh chứng khác là vị trí thứ 7 cả nước về thu hút vốn FDI, lũy kế đến nay đã thu hút 1.753 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 22.899,6 triệu USD, đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia có quy mô vốn đầu tư lớn nhất với 950 dự án, tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đạt khoảng 14 tỷ USD, chiếm 62% tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn tỉnh, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ điện tử... Và thành công của Tổ hợp Samsung tại KCN Yên Phong với 3 dự án lớn (Samsung điện tử vốn đầu tư 2,5 tỷ USD; SDIV- nhà máy sản xuất pin, vốn đầu tư hơn 100 triệu USD; Samsung Display vốn đầu tư 6,5 tỷ USD) là một thực tế điển hình. Các nhà đầu tư Hàn Quốc còn ghi dấu ấn tại Bắc Ninh bằng hàng loạt dự án có hiệu quả đầu tư cao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội và an sinh tại địa phương, như Hyosung, Hanwha Techwin, Amkor,...

Sau 25 năm tái lập tỉnh đến nay, Bắc Ninh đã cơ bản là một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt cao, trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước: Giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất, GRDP bình quân đầu người đứng thứ 4, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 5, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, diện mạo đô thị, nông thôn phát triển... Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Ninh nhiều năm liên tục đứng trong tốp 10 cả nước.

Tập trung vào mũi nhọn công nghiệp, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, nhằm hình thành cụm ngành điện tử, công nghệ cao, phát triển khu công nghệ cao, các trường đại học; nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho công nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố sáng tạo, năng động.

Bên cạnh đó, tiếp tục ”đầu tư cho tương lai”, Bắc Ninh quán triệt thu hút đầu tư gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất hàm lượng công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng”: sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao và hàm lượng công nghệ cao; sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư.

Hướng tới các mục tiêu cụ thể, Bắc Ninh tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại thân thiện với môi trường như: điện tử, viễn thông, cơ điện tử, hóa dược, thiết bị y tế...; công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Thu hút đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trung tâm thương mại, khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp... Thu hút các ngành thương mại dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục – đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế, logistics và các dịch vụ hiện đại khác.

Xây dựng chính quyền “liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ”, Bắc Ninh tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; không ngừng quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách để phù hợp với tình hình mới; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, từng bước tiến tới chuyên nghiệp, hiện đại… Trước mắt, nỗ lực tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua khó khăn chung hiện nay, đẩy mạnh phát triển toàn diện, đề cao quan điểm lấy người dân làm trung tâm.

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh mong muốn tiếp tục được mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại, ngoại giao,… và đặc biệt luôn “rộng cửa” tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất chào đón các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, luôn sẵn sàng mặt bằng sản xuất, nhân lực, cải cách đổi mới và hỗ trợ các nhà đầu tư, vì sự phát triển thịnh vượng chung của các bên.

Với phương châm, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh, Bắc Ninh cam kết luôn đồng hành, hợp tác; cùng với các đơn vị trực thuộc phối hợp trên tinh thần cao nhất với các đối tác Hàn Quốc, trong việc nghiên cứu, xem xét, triển khai các hợp tác giữa các bên đảm bảo hài hòa, hiệu quả, vì sự phát triển chung./.

PV