Trang trại nuôi lợn thịt tại thôn Đông xã Tam Giang. Ảnh: Hồng Minh
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 223 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, 53 trang trại trồng trọt, 111 trang trại chăn nuôi, 24 trang trại thủy sản và 35 trang trại tổng hợp. Các trang trại, gia trại đã tạo việc làm cho gần 40.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 1,5 - 4 triệu đồng/người/tháng .
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 27/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch về phát triển kinh tế trang trại, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa… từ đó tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển ổn định. Nhiều trang trại đã chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư trang thiết bị, xây dựng chuồng trại, nhà lưới, nhà kính, từng bước thực hiện cơ giới hóa quá trình sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, bước đầu hình thành các quan hệ hợp tác mới trong sản xuất.
Tuy nhiên trong thực tiễn sản xuất, các trang trại cũng gặp một số khó khăn liên quan đến tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ, phòng chống dịch bệnh… Để thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại trong thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các huyện thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các chủ trang trại, người lao động; thí điểm mô hình kinh tế trang trại kiểu mẫu làm cơ sở cho các địa phương chỉ đạo phát triển vùng kinh tế trang trại; xử lý dứt điểm các trường hợp vướng mắc, tồn tại trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tiếp tục hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông, điện, nước… Đồng thời, sửa đổi Nghị quyết số 106/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế trang trại, kinh tế VAC trên địa bàn; tăng cường thông tin thị trường, định hướng cho các trang trại để sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với trang trại để xây dựng chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Trước mắt, tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát lại tình trạng hoạt động của tất cả trang trại để tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại đủ điều kiện giúp chủ trang trại yên tâm đầu tư, đẩy mạnh sản xuất. Tạo điều kiện cho các chủ hộ chăn nuôi chuyển đổi sang mở trang trại mới để giảm bớt các hộ chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ./.