Năm 2010, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”. Theo đó, Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của từng địa phương cơ sở nhằm xây dựng nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nguồn lao động nông thôn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong đó đặc biệt chú trọng việc điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, làm cơ sở cho tỉnh phê duyệt danh mục ngành nghề đào tạo, định mức chi phí đào tạo và hỗ trợ cho các đối tượng tham gia đào tạo nghề LĐNT.

Bám sát đặc điểm địa phương và nhu cầu thực tế của LĐNT, quá trình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, UBND tỉnh Bắc Ninh đã nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách đặc thù như nâng độ tuổi cho đối tượng được hỗ trợ học nghề; quy định chế độ hỗ trợ đào tạo và sử dụng lao động đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, động viên, thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề gắn với việc làm tại các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thu nhận LĐNT sau đào tạo nghề...

Đồng thời, các cơ quan chức năng, trực tiếp là ngành Lao động, Thương binh & Xã hội cũng chủ động xây dựng kế hoạch, rà soát danh mục nghề đào tạo, chỉ đạo thực hiện phương châm "chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề"; dạy nghề gắn với thế mạnh của địa phương cơ sở, với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, dạy nghề theo nhu cầu học nghề của LĐNT gắn với thị trường lao động trong quy hoạch phát triển sản xuất ở cơ sở.

Hàng nghìn người lao động ở khu vực nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã được đào tạo nghề, nâng cao thu nhập. Ảnh: PA

 

Với những giải pháp cơ bản nói trên, qua khảo sát, tỷ lệ lao động nông thôn ở Bắc Ninh được hỗ trợ đào tạo có việc làm sau đào tạo đã tăng từ 80,29% (giai đoạn 2010-2015) lên hơn 83% (giai đoạn 2016-2020); trong đó số LĐNT có việc làm sau đào tạo gắn với các doanh nghiệp đạt tỷ lệ 25%. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng trên 50.000 lượt LĐNT với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 180 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thu Hằng ở xã Liên Bão, huyện Tiên Du cho biết: “Trước đây gia đình tôi chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên thu nhập không cao. Từ sau khi được tham gia lớp đào tạo nghề may, tôi đã được tuyển vào làm tại doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, tôi đã có công việc ổn định, có thêm thu nhập để chăm lo cho gia đình”.

Thực tế cho thấy, việc lựa chọn các ngành để đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh Bắc Ninh đã được thực hiện một cách khá toàn diện, bám sát nhu cầu thực tế của địa phương. Các ngành nghề được hỗ trợ đào tạo chủ yếu là trồng nấm, cà rốt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất mây tre đan, may mặc, nghề mộc dân dụng, mộc truyền thống… Thông qua đào tạo, người lao động được trang bị những kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành, bước đầu hình thành một số kỹ năng tổ chức sản xuất tại các hộ, nhằm phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động khu vực nông thôn. Nhờ vậy, nhìn chung công tác đào tạo nghề đã trực tiếp góp phần giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn.

Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã hình thành nhiều mô hình dạy nghề cho LĐNT có hiệu quả. Tiêu biểu là mô hình dạy nghề trồng nấm ở huyện Lương Tài, mô hình dạy nghề may mặc ở các huyện Tiên Du, Yên Phong; mô hình dạy nghề mộc ở huyện Gia Bình; mô hình dạy nghề nuôi trồng thủy sản ở huyện Lương Tài; mô hình trồng nghệ ở TP Bắc Ninh... Trong đó, mô hình trồng nấm tại hộ gia đình được nhân rộng tại các xã ở huyện Lương Tài, Thuận Thành, Quế Võ. Sau khi được đào tạo nghề, các hộ đã tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất nấm. Một số hộ gia đình tập trung thành các tổ sản xuất nấm cho hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông nhàn với mức thu nhập nhập bình quân từ 18 - 24 triệu đồng/người/năm. Hoặc mô hình trồng nghệ ở xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh và xã Bằng An, huyện Quế Võ cho thu nhập bình quân đạt trên 30 - 35 triệu đồng/ha/vụ…

Theo đồng chí Đinh Văn Duân Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Ninh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, gắn với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành cho các cơ sở đào tạo nghề; gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo… Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2020, Bắc Ninh phấn đấu đào tạo cho 60% số lao động khu vực nông thôn các nghề nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đào tạo cho 20% lao động tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn./.

Phan Anh