Từ thuở bình minh lịch sử đến suốt quá trình dựng nước và giữ nước, vùng đất Gia Bình đã sản sinh nhiều nhân kiệt, cống hiến cho đất nước những bậc hiền tài lưu danh sử sách, điển hình là danh tướng Cao Lỗ giúp vua An Dương Vương xây dựng triều chính và chế tạo nỏ thần đánh giặc giữ nước; Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh đức trọng tài cao là thầy dạy của vua Lý Nhân Tông; Trạng nguyên, Thiền sư Huyền Quang là một trong ba vị Tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử... Trong giai đoạn khoa cử thời phong kiến, danh nhân đất Gia Bình còn phải kể đến những người đỗ đạt vinh hiển, tiêu biểu là Thám hoa Nguyễn Văn Thực có tài văn chương cái thế “như rồng cuốn gấm thêu”; quận công Nguyễn Công Hiệp văn võ toàn tài, đức dày như núi, tâm sáng tựa ngọc đã hưng dựng nhiều công trình đình, chùa, cầu quán nổi tiếng trong vùng và còn có cả một danh gia vọng tộc khoa bảng - Trần Danh ở thôn Phương Triện (xã Đại Lai) mà cha con, anh em đều tài trí hơn người, đỗ đạt thành danh, phò vua giúp nước, làm rạng rỡ những trang sử vàng của quê hương... Cùng với việc bồi đắp, nuôi dưỡng những người con tài hoa trong học hành khoa cử, đồng đất phù sa Gia Bình còn sinh thành, nuôi nấng những bàn tay, khối óc tài hoa trong lao động. Với phẩm chất hiền lành, chịu thương chịu khó và tài hoa từ bao đời nên ngoài làm nông nghiệp, người dân Gia Bình còn phát triển nhiều nghề thủ công truyền thống mà nổi tiếng là đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai, mộc Cao Thọ, nón lá Lãng Ngâm...

Bề dày, chiều sâu văn hiến của miền đất cổ nằm nép mình bên bờ Nam sông Đuống còn lưu dấu qua những tên đất, tên làng, các di vật, cổ vật và đặc biệt hội tụ, kết tinh, hiện diện trong các đình, đền, chùa, lăng, miếu cổ thâm nghiêm cùng vẻ đẹp đặc sắc, độc đáo của những phong tục tập quán được nhiều thế hệ dày công tạo dựng, vun đắp và phát huy. Người dân nơi đây tự hào khi đang được sở hữu một kho báu di sản văn hóa phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, đặc sắc về giá trị đang phân bố khắp các làng xã trong huyện, tiêu biểu như: Đền thờ Lê Văn Thịnh có tượng Rồng đá độc đáo là Bảo vật Quốc gia, đình Bảo Tháp, đền Doãn Công Đào Nương, chùa Tĩnh Lự, khu di tích Lệ Chi Viên, chùa Đại Bi, lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ Vương... Và còn có đền Tam Phủ trên bãi Nguyệt Bàn, nơi diễn ra hội nghị Bình Than lịch sử của các vương hầu quý tộc nhà Trần bàn kế sách đánh giặc Nguyên-Mông lần thứ hai đại thắng. Những di tích này không chỉ là nơi tôn thờ các danh nhân mà còn lưu niệm, cất giữ nhiều nguồn tài liệu lịch sử, văn hóa, là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng. Gắn liền với hơn 200 di tích trên địa bàn là các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, với những sự lệ đình đám, lễ hội truyền thống quy mô, linh thiêng là biểu hiện tập trung tiêu biểu cho bản sắc con người miền đất cổ Thiên Thai. Trong đó, nổi tiếng là lễ hội thập đình, lễ hội Cao Lỗ Vương...

Khu di tích Đền thờ Cao Lỗ Vương (Cao Đức, Gia Bình).

Mạch nguồn văn hoá truyền thống tốt đẹp của cha ông được các thế hệ người dân tiếp nhận, bồi đắp, trao truyền từ đời này sang đời khác, hôm nay đang toả sáng làm nền tảng vững chắc đưa quê hương Gia Bình từng ngày phát triển. Gia Bình hiện có 14 xã, thị trấn với 74 thôn, làng và hơn 30 nghìn hộ dân. Những năm qua, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được các cấp, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn trong huyện tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả với tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 88,3% và 98,6% thôn, làng đạt danh hiệu văn hóa. Người người, nhà nhà đều tập trung xây dựng cuộc sống mới ngày một đủ đầy, hạnh phúc, con cái được quan tâm đầu tư học hành. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao. Nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực với những mô hình, cách làm sáng tạo. Nhiều quan niệm lạc hậu trong đám ma, đám cưới tưởng chừng ăn sâu bám rễ bao đời nay ở các làng quê thì nay đang dần được xóa bỏ, thay vào đó là tư tưởng tiến bộ, văn minh phù hợp đời sống đương đại. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của quê hương luôn được quan tâm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị; các thiết chế văn hóa, thể thao, công trình phúc lợi cũng từng bước được đầu tư hoàn thiện khang trang... tạo nguồn động lực mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Cuối năm 2018, huyện Gia Bình có 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện về đích nông thôn mới năm 2019.

Qua thăng trầm lịch sử, điều đáng trân trọng và ngưỡng mộ ở Gia Bình bây giờ là vẫn còn bảo tồn được hình thái, không gian của nhiều ngôi làng cổ thuần Việt với sự thuần hậu, mộc mạc, yên lành hiển hiện qua từng nếp nhà, mỗi góc ao, bờ tường rào hay mảnh vườn thưa vắng... Không biết có phải do sự sôi động, ồn ào của các hoạt động giao thương, công nghiệp chưa đủ sức chạm đến miền quê đậm đặc huyền thoại này, hay là bởi để đắp đổi, mở mang, dựng xây một vùng quê tươi đẹp, thanh bình như hôm nay, các thế hệ người dân Gia Bình đã phải đổ biết bao công sức, mồ hôi và cả máu của mình thấm đẫm trên từng mô đất nên họ tự biết ý thức trách nhiệm nâng niu gìn giữ, bảo tồn mạch nguồn văn hóa quê hương...

Theo Báo Bắc Ninh