Không chỉ có phong cảnh đẹp, Việt Bắc còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với văn hóa độc đáo và đặc trưng riêng. Là thành tố quan trọng cấu thành nên văn hóa nghệ thuật cổ truyền, âm nhạc dân gian Việt Bắc luôn gắn liền với đời sống tinh thần và tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số.
Âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số đã góp phần làm đa dạng, phong phú nền âm nhạc Việt Nam, có tư duy về giai điệu, điệu thức, điệu quãng, nhạc cụ và cách thể hiện riêng. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống này đang được đặt ra cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Ngoài xây dựng các cơ chế, chính sách, các hoạt động đầu tư, mua sắm nhạc cụ theo các dự án bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, cần phát huy vai trò của người dân với tư cách là chủ thể văn hóa, thông qua việc duy trì và truyền bá âm nhạc được thể hiện trên sân khấu.
Tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số và có phong cảnh tự nhiên tươi đẹp thì du lịch được xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế. Trong các sản phẩm du lịch thì âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số chính là một “đặc sản”, tạo ra sự đa sắc, đa hương cho vườn hoa nghệ thuật âm nhạc truyền thống và tạo nên sức hấp dẫn với du khách.
Hội thảo nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khu vực Việt Bắc trong đời sống đương đại do Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và nhóm hợp tác xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật khu vực Việt Bắc (VB7+) phối hợp tổ chức ngày 02/7/2024 (Ảnh: Đức Thắng)
Rất mừng là các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc đã bắt đầu được tiếp sức bởi Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021 - 2025. Trong đó, nhạc cụ dân tộc là nội dung được hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy.
Trước hết cần phải khẳng định nghệ thuật biểu diễn tồn tại bền vững trong suốt lịch sử của các dân tộc vì nó được truyền dạy qua các thế hệ khác nhau. Những điệu múa, điệu hát, lời ca…vì vậy mà được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác đáp ứng nhu cầu của con người. Nhưng hiện nay, sự trao truyền đó đang bị đứt quãng. Những người già vẫn còn thích các điệu múa, điệu hát của dân tộc mình và mong muốn truyền dạy lại cho con cháu. Nhưng những người trẻ lại khác, hoặc họ bận rộn với công cuộc tìm kiếm sinh kế trong xã hội hiện đại, hoặc tìm đến các loại hình nghệ thuật khác mà ít quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, gây ra nguy cơ thất truyền của nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Do đó, quan trọng là phải để người dân bản địa giữ được vai trò chủ đạo, quyết định việc khôi phục nghệ thuật biểu diễn. Cần giúp họ chủ động trong việc lựa chọn, định hướng và thực hiện bởi họ là những người thực hành văn hóa đó. Nhà nước có thể giúp đỡ người dân bằng những biện pháp gián tiếp như nâng cao đời sống, tuyên truyền các giá trị của văn hóa truyền thống để người dân hiểu và lấy lại tâm lý tự tin, qua đó làm cho họ có điều kiện, năng lực để phục dựng, phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn truyền thống của mình.
Một việc quan trọng cũng cần được gấp rút thực hiện là số hóa nghệ thuật biểu diễn của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Phải xác định việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số bằng kỹ thuật số hiện đại là vấn đề quan trọng cần làm ngay bởi chậm một ngày, lại có thêm những loại hình di sản bị mai một. Cơ sở dữ liệu này vừa là hệ thống tư liệu cho quá trình nghiên cứu, vừa là nền tảng cho việc lựa chọn khôi phục loại hình nghệ thuật biểu diễn, có như vậy mới khơi dậy nguồn sống cho nghệ thuật biểu diễn của cộng đồng các dân tộc.
Sự tham gia vào lĩnh vực sáng tác ca khúc mang âm hưởng nhạc dân gian cho thấy sự hấp dẫn và tính khả thi trong việc nối dài, phát triển loại hình âm nhạc này ở tương lai. Không gian vô cùng rộng mở và quyến rũ đem đến nhiều phong cách biểu diễn hiện đại nhưng vẫn giữ vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của các tác phẩm. Dù chỉ là một mảng khái quát về dân gian Việt Bắc nhưng đã gợi mở cho người nghe và người làm âm nhạc thấy rằng văn hóa, văn nghệ dân gian chính là hồn cốt của đất nước. Ca khúc mang âm hưởng dân gian miền núi Việt Bắc đã góp phần khẳng định vẻ đẹp, tính lan tỏa và tìm kiếm hướng đi mới tươi trẻ, mới mẻ trong đời sống âm nhạc hiện đại hôm nay.
Những ca khúc mang âm hưởng dân gian Việt Bắc dựa trên chất liệu dân ca về ca từ, hình ảnh, lối so sánh ví von…; về thang âm, điệu thức, giai điệu... Qua đó, người nhạc sĩ có thể đưa vào ca khúc của mình vẻ đẹp, sự độc đáo, phong phú của những bài dân ca trên nhiều phương diện bao gồm đời sống vật chất và tinh thần, phong tục tập quán và tín ngưỡng, văn hóa và nghệ thuật… của người dân. Một số ca khúc tiêu biểu phải kể đến như như: “Điệu then Tò Mạy’ sáng tác của NSND Triệu Thủy Tiên, “Huyền thoại Pác Pó” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Đức, “Xứ Lạng quê em” của Vi Hồng Nhân hay “Non đắc nòn đi”, “Du du điềng điềng’ của nhạc sĩ Phạm Tịnh... Những ca khúc nói trên thường dễ đi vào lòng người nghe do mang đậm nét của âm nhạc truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bên cạnh mảng sáng tác thì việc thể hiện tốt những tác phẩm này cũng là một vấn đề đặt ra. Có thể nhận thấy sự dung hòa và mối quan hệ giữa hai yếu tố nghệ thuật thanh nhạc trong âm nhạc mới với nghệ thuật ca hát truyền thống dân gian. Đây là vấn đề cần thiết để tạo nên nghệ thuật thanh nhạc chính quy của Việt Nam hội nhập với thế giới, đồng thời mang đậm những dấu ấn của dân tộc.
Những làn điệu dân ca là sản phẩm tinh thần của tổ tiên từ thuở sơ khai, phản ánh phong tục tập quán, thói quen, cách cảm nghĩ... của cha ông. Từ bao đời nay, dân ca là một phần đời sống tâm hồn gắn bó với mỗi người Việt. Khi thể hiện, đôi khi chúng ta để ý quá nhiều vào cao độ, tiết tấu, lời hát mà quên đi phần cốt lõi quan trọng nhất của hát ca khúc mang âm hưởng dân ca đó là cảm thụ và xử lý ca khúc.
Nhạc sĩ Nguyễn Trung (Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh) trình bày tham luận tại Hội thảo (Ảnh: Đức Thắng)
Để việc hát ca khúc mang âm hưởng dân ca vừa đạt được về mặt học thuật (kỹ thuật, kỹ năng, kỹ xảo) vừa phát huy được màu sắc cũng như nét đặc trưng trong các làn điệu dân ca Việt Nam, thì việc giúp người hát tìm hiểu và cảm thụ âm nhạc dân gian Việt Nam cần phải được lưu ý âm điệu của các bài dân ca nhạc cổ, yếu tố ngũ cung, lối biến đổi giai điệu giữa không và có tiết nhịp, các thủ pháp ca từ trong dân ca và các hình tượng ca từ được rút từ đời sống bình dị của người dân hoặc văn học cổ truyền của dân tộc. Đây cũng chính là những yếu tố góp phần quan trọng trong việc tạo nên sức sống và sức lôi cuốn của bản sắc văn hóa dân tộc trong ca khúc sáng tác mới mang âm hưởng dân ca Việt Nam.
Nhận diện được màu sắc, âm hưởng dân ca trong ca khúc chính là cơ sở đầu tiên, quan trọng nhất để áp dụng các phương pháp thể hiện. Mỗi thể loại ca khúc có lối thể hiện khác nhau. Để thể hiện sắc thái của ca khúc mang âm hưởng dân ca thì trước hết người hát phải được trạng bị và hiểu biết về âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung và những làn điệu dân ca nói riêng, đó chính là lối hát sử dụng hư từ (từ không có nghĩa) trong hát dân ca, chúng thay cho tiếng nói của tâm tư, tình cảm cũng như tư tưởng của con người Việt.
Chúng ta có thể thấy trong các làn điệu dân ca Việt Nam có những hư từ (từ không có nghĩa) như: à, i, í, a, chăng, ư, hự, hội, ối a, ư, tang tình, uẩy, oả... những hư từ không có nghĩa đó lại rất cần thiết đối với những làn điệu dân ca, bằng ngữ điệu, những hư từ đã trở thành thực từ (từ có nghĩa) để biểu đạt sắc thái tình cảm. Chính từ cách biểu hiện nội dung ngữ nghĩa từ giọng điệu, ngữ điệu ấy, với suốt chiều dài lịch sử, từng bước, từng bước, đã được nâng cao, phát triển thêm, xây dựng thành những quy ước với một hệ thống những phương tiện diễn tả của loại hình dân ca như ngày nay. Lối hát kèm với các hư từ là yêu cầu tiên quyết, nhưng mỗi vùng miền lại có cách sử dụng hư từ rất khác nhau. Do đó, để làm nổi bật những sắc thái phong phú, đa dạng của mỗi vùng miền thì việc sử dụng hư từ đúng thì nó sẽ trở thành tiếng nói của tình cảm, là sự biểu hiện một dạng tình cảm của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống.
Ở tỉnh Bắc Ninh trước đây, trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh là nơi đào tạo nghệ sĩ hát quan họ chuyên nghiệp, có giảng dạy môn hát dân ca quan họ. Thường khi dạy hát dân ca nói chung, dân ca quan họ nói riêng, các thầy cô mới chỉ dạy học sinh hát đúng nhạc mà chưa cung cấp những hiểu biết về nghệ thuật thể hiện, về cách trình diễn... Bắc Ninh hiện nay đã và đang tiếp tục hoàn chỉnh giáo trình dạy hát dân ca quan họ tất cả các cấp học từ mầm non đến trung học phố thông một cách phổ cập trong toàn ngành giáo dục.
Đất nước ta vốn có nền vǎn hóa lâu đời. Trong đó, cha ông ta đã tạo dựng được một nền âm nhạc truyền thống có bản sắc riêng, phong phú về hình thức, đa dạng về thể loại, có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của người dân các dân tộc Việt Nam. Đối với dân ca được cho là “hồn cốt” của dân tộc thì điều đó lại càng thể hiện rõ nét. Do đó, có thể nói rằng, việc giữ gìn những tinh hoa truyền thống của âm nhạc dân tộc, trong đó có dân ca, là việc làm mang tính thời sự và cấp thiết!
Một trong những cách bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca là đưa dân ca đến mọi tầng lớp, nhất là các em học sinh, để dân ca dần trở thành một thành tố âm nhạc không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Muốn vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên âm nhạc; công tác giới thiệu, định hướng cho đội ngũ ca sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật về âm nhạc cổ truyền nói chung, về dân ca nói riêng cần được đặc biệt chú trọng hơn nữa.
Thiết nghĩ, đặc trưng của âm nhạc dân tộc chính là tính ngẫu hứng, dị biệt và dị bản, chủ yếu được lưu truyền bằng phương thức truyền khẩu và truyền dạy trực tiếp. Do đó, tính nguyên gốc cũng như sự tồn tại của âm nhạc dân tộc phụ thuộc lớn vào các nghệ nhân. Trong bối cảnh những "báu vật sống" của nền âm nhạc dân tộc hầu như đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm", chúng ta cần có chính sách đãi ngộ, vinh danh phù hợp, huy động tối đa khả năng truyền dạy của các nghệ nhân đối với lớp nghệ sĩ trẻ.
Đây chính là biện pháp "bảo tồn sống" vốn âm nhạc dân tộc, song song với việc sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu các tác phẩm âm nhạc cổ truyền để có những cách thức vừa đơn giản, vừa hiệu quả trong việc đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với đời sống đương đại.
Ngay từ lúc này, không chỉ như Bắc Ninh đã làm, nhất thiết phải có những biện pháp đưa âm nhạc truyền thống vào học đường. Âm nhạc dân tộc phải được tác động vào tâm hồn học sinh để các em hiểu một cách nghiêm túc, rồi từ hiểu mới dẫn đến thích, từ thích dẫn đến đam mê. Các cấp, ban, ngành liên quan cần phối hợp với các chuyên gia âm nhạc dân tộc biên soạn giáo trình đào tạo âm nhạc, đồng thời tính đến phương án đào tạo âm nhạc dân tộc cho các giáo viên âm nhạc.
Ðây không phải chuyện một sớm một chiều mà là con đường lâu dài, đòi hỏi sự dốc tâm, dốc sức của cả một tập thể, nhưng là con đường không thể không đi, vì một nền âm nhạc truyền thống Việt Nam đa dạng, giàu bản sắc và đậm giá trị văn hóa./.