Lễ hội Lim tại Bắc Ninh. Ảnh: Internet

Nhân vào Xuân, xin cùng bàn về hôn nhân-gia đình và tôn giáo. Đó là những lĩnh vực quan trọng thuộc nhu cầu tồn tại của cuộc sống con người mà bất cứ thời đại nào của nền văn minh nhân loại (tức là từ khi có chế độ của riêng tới nay) người ta cũng đều phải đưa ra những triết lý, những quan niệm, tiêu chuẩn và quy định để ứng xử và điều chỉnh trong quan hệ  xã hội của thời đại họ đang sống.

Hôn nhân và gia đình

Chỉ tính từ thế kỷ 19 đến nay, đã có không ít các công trình nghiên cứu về hôn nhân và gia đình, trong đó trước tiên phải kể đến công trình nghiên cứu của H.Morgan, tiếp ngay là lời bàn của  Ph.Ăng-ghen trong cuốn “Nguồn gốc của gia đinh, của chế độ tư hữu và của nhà nước” .

Theo Ph.Ăng- ghen thì hôn nhân và gia đình là một quá trình tiến hóa của lịch sử nhân loại, cho tới nay (thế kỷ 19) thì “có ba hình thức hôn nhân, tương ứng về đại thể với ba giai đoạn phát triển chính của nhân loại. Ở thời đại mông muội, có chế độ quần hôn; ở thời đại dã man có chế độ hôn nhân cặp đôi; ở thời đại văn minh có chế độ một vợ một chồng được bổ sung bằng tệ ngoại tình và nạn mãi dâm” (1).

Hôn nhân là nhu cầu của con người. Gia đình là cái nôi của sự sinh tồn, nó cũng xuất hiện như là đơn vị cơ sở đầu tiên của sản xuất ra của cải vật chất. Khi chế độ tư hữu xuất hiện thì thời kỳ đầu là chế độ mẫu hệ (người đàn bà có thể có nhiều chồng, những đứa con sinh ra được xác lập theo họ mẹ), thời kỳ sau là chế độ đa thê (người đàn ông đương nhiên có quyền lấy nhiều vợ, con mang  họ bố). Xác lập như vậy là nhằm để kế thừa tài sản của bố mẹ để lại… Đến khi chế độ tư bản ra đời, thì chế độ đa thê , trên danh nghĩa chấm dứt. Chế độ một vợ một chồng được xác lập về mặt pháp lý. Việc kết hôn cận huyết thống được ngăn cấm. Đây là một bước tiến bộ rất dài trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên sự bất bình đẳng về giới, sự áp bức của người đàn ông đới vối người đàn bà được duy trì và được coi như là lẽ phải thông thường, sự phụ thuộc của người đàn bà vào người chồng của họ còn dai dẳng mãi về sau.

Khi chủ nghĩa tư bản phát triển, chế độ hôn nhân một vợ, một chồng trong xã hội tư bản, nhất là đối với những người có của và quyền thế, thì còn không ít sự giả dối. Gia đình của những người tư sản lúc này dựa trên cơ sở nào? Nó “dựa trên tư bản, trên lợi nhuận cá nhân.Gia đình dưới hình thái hoàn toàn phát triển của nó, chỉ tồn tại đối với giai cấp tư sản thôi…” (2).

Ph.Ăng-ghen đã đưa dự báo dựa trên một giả định  rằng chỉ khi có chế độ cộng sản văn minh mới thực sự có hôn nhân tự do không hề có sự tính toán nào ngoài tình yêu mến và sự hấp dẫn giữa hai người khác giới; tình trạng bất bình đẳng nam nữ, giữa người vợ và người chồng được xóa bỏ; khi ấy dâng hiến tự nguyện và lòng chung thủy, chia sẻ trách nhiệm trong xây dựng tổ ấm gia đình và nuôi dạy con cháu mới đích thực là bản chất của hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, Ph.Ăng-ghen cũng cho rằng, hình thức hôn nhân và gia đình mà ông hình dung ra lúc này cũng chỉ là nhằm phủ nhận tình trạng hiện tồn của hôn nhân và gia đình tư sản và bước đầu xây dựng một quy tắc ứng xử tiến bộ mang tính người hơn, làm cơ sở cho sự phát triển chung của xã hội nhằm định hướng cho thế hệ tương lai.Về những quy tắc của các quan hệ trong tương lai, khi mà xã hội phát triển rất cao thì  đối với chúng ta hiện nay cũng mới chỉ là sự phỏng đoán, những con người xuất hiện trong xã hội ấy  “họ sẽ tự biết cần phải làm như thế nào, và sẽ gây lấy một công luận thích hợp để phê phán hành vi của mỗi người” (3).

Từ những tư tưởng của Ph.Ăng-ghen cho thấy một trong những trách nhiệm to lớn và quan trọng  nhất mà nhà nước XHCN là phải phủ định chế độ một vợ một chồng trá hình, (nghĩa là được bổ sung bằng ngoại tình và nạn mãi dâm theo kiểu tư sản) định hướng và nêu gương cho thế hệ trẻ về hôn nhân tự do, tự nguyện, trách nhiệm xây dựng gia đình, nuôi dậy con cái sao cho chúng thành những con người trung thực, có ý chí tiến thủ, không bán mình cho những dục vọng thấp hèn.

Tôn giáo

Tôn giáo, tín ngưỡng là quyền tự do của con người; nó còn là niềm tin của con người vào những giáo lý mang tính nhân văn, nó hướng con người vào những điều nhân ái, vị tha, từ bi, bác ái, để tu thân, hướng thiện và hoàn lương. Giáo lý của các tôn giáo chân chính làm phong phú thêm kho tàng văn hóa cuả loài người.Tôn giáo còn tồn tại rất lâu, một khi những thiên tai đe dọa con người chưa được khống chế và những bất công, vô nhân tính trong xã hội vẫn còn tồn tại. Những người  theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, họ hiểu rằng ban đầu “tất cả tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế… Nhưng chẳng bao lâu, bên cạnh những lực lượng thiên nhiên, lại còn có cả những lực lượng xã hội tác động - những lực lượng này đối lập với con người, một cách cũng xa lạ lúc đầu cũng không thể hiểu được đối với họ, và cũng thống trị họ với cái vẻ tất yếu bề ngoài giống như bản thân những lực lượng tự nhiên vậy” (4) và “…tôn giáo vẫn có thể tiếp tục tồn tại với tư cách là một hình thức trực tiếp, nghĩa là một hình thức cảm xúc của thái độ của con người đối với lực lượng xa lạ, tự nhiên và xã hội, chừng nào con người còn chịu sự thống trị của những lực lượng đó… Do đó cơ sở thực tế của sự phản ánh có tính chất tôn giáo của hiện thực vẫn tiếp tục tồn tại và cùng với cơ sở đó thì chính ngay sự phản ánh của nó trong tôn giáo cũng tiếp tục tồn tại” (5). Quần chúng nhân dân còn bị thiên tai lũ lụt, dịch bệnh đe dọa, nhiều bất công oan trái của cuộc đời mà công lý và pháp quyền còn bất cập…. thì người ta tìm đến nhà thờ, nhà chùa… để cầu xin mong được đấng siêu nhân giải cứu.

Ở nước ta hầu hết những tôn giáo lớn đều du nhập từ nước ngoài, lâu dần được Việt hóa, thậm chí  có tôn giáo đã có thời được suy tôn thành quốc  đạo như đạo Phật ở thời nhà Lý.Tuy vậy đại đa số người Việt Nam vẫn không theo tôn giáo nào, song trên thực tế họ đều có “đạo”, có tín ngưỡng, đó là đạo thờ Tổ tiên, thờ những người có công với dân với nước, những anh hùng hào kiệt và danh nhân để tỏ lòng biết ơn, kính cẩn và noi gương. Đó là nét đẹp văn hóa của dân tộc ta mà nhiều nước trên thế giới đã biết đến và trân trọng.Tín ngưỡng đó đã có tác dụng nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần dân tộc Việt, trở thành truyền thống, thành bản sắc văn hóa, thành sức mạnh gắn kết mọi con dân nước Việt làm cho “Nước chúng ta./ Nước những người chưa bao giờ khuất./Đêm đêm rì rầm theo tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”(Đất nước - Nguyễn Đình Thi)

Nhưng hiện nay tình trạng lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng gây ra mê tín dị đoan và làm những điều bất chính, thiếu văn hóa, đang làm vẩn đục đời sống tinh thần của nhân dân, rất cần phải chấn chỉnh :

Trước hết, phải thấy rằng trong xã hội ta hiện nay tôn giáo phát triển khá mạnh. Nhiều người vẫn tìm đến nhà thờ, nhà chùa… để cầu xin mong được đấng siêu nhân giải cứu. Vì nhiều lý do mà không ít người đã từ sự tín ngưỡng, từ niềm tin tôn giáo hồn nhiên đã biến tướng thành mê tín dị đoan, đánh mất nghị lực vượt qua nỗi nhọc nhằn nơi trần thế để mưu hạnh phúc bằng chính tài năng và sức lực của mình. Đến cửa thiền nhưng lòng lại không trong sáng, toàn những cầu xin vụ lợi: cầu danh, cầu lợi, cầu địa vị, chức quyền, cầu bằng cấp, học vị…  bằng cách đốt cho nhiều vàng mã, lễ lạt thật to và dâng hiến cả tiền Việt Nam đồng và ngoại tệ (không phải chỉ là đồ mã mà cả tiền thật) như là sự hối lộ thánh thần. Thật quá phản cảm khi trên thân hình tượng phật, chỗ nào cũng bị người ta dắt đầy tiền.Thật là báng bổ thánh thần khi bàn tay nhân ái từ bi của Phật Thích ca, hay vẻ uy nghiêm thanh khiết của thày Chu Văn An lại bị gài vào đấy những đồng tiền đủ các mệnh giá khác nhau.

Thứ hai là các địa phương cơ sở đâu đâu cũng đua nhau mở lễ hội, hình thức thì ngày một quy mô, nội dung thì lại nghèo nàn, tính thương mại dần lấn át cả tính nhân văn, văn hóa.

Thứ ba là không ít các cơ sở tôn giáo (nhà chùa, đền miếu…) đã lợi dụng để kiếm lời. Ngay cả các chùa được xếp hạng di tích văn hóa - lịch sử mà mỗi ban thờ cũng ít nhất có một hòm công đức, rồi nay lại thay bằng két công đức. Số tiền công đức không ít nhưng sự quản lý còn nhiều bất cập. Nhà tu hành, được mệnh danh là người thay mặt Thần, Phật, Chúa răn dạy chúng sinh, nhưng không ít người tu hành đã mắc vào vòng tham, sân, si ...

Thứ tư là có những nhà tu hành lợi dụng tôn giáo để mê hoặc quần chúng, mưu đồ trục lợi cá nhan và lợi ích như kiểu chùa Ba Vàng năm ngoái. Cũng không phải không có bọn phản động lợi dụng tôn giáo để gây mất ổn định chính trị, phá hoại chính quyền nhân dân. Lẽ dĩ nhiên là nhà nước pháp quyền phải đảm bảo rằng mọi công dân được tự do làm tất cả những gì họ muốn trong khuôn khổ pháp luật và sẽ cấm, thậm chí trừng trị những ai làm những việc mà pháp luật không cho phép. Điều này áp dụng bình đẳng cho cả mọi người, mọi công dân, kể cả các nhà tu hành. Nhưng để chấm dứt tình trạng này thì thượng sách là các cấp chính quyền phải trong sáng vô tư, không vụ lợi, không thiên vị, gần dân và phục vụ dân, phải có trách nhiệm nâng cao dân chúng cả về vật chất lẫn văn hóa tinh thần, phải phát huy lòng yêu nước của người dân như Bác Hồ từng căn dặn.

Sao cho được lòng dân ?

Sao cho người dân hứng thú đối với những lời khuyên bào, giáo dục của nhà trường, của nhà tuyên huấn, của nhà văn hóa, của cơ quan công quyền…hơn là tìm đến với những lời răn dạy của nhà tu hành?

Làm  sao cho mọi người dân có cuộc sống an vui nơi trần thế hơn là mơ ước, tin tưởng vào sự hư ảo nơi thần thánh?

Đó là những việc cấp thiết và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo quản lý, của tất cả mọi người hiện nay cần ghi nhớ và nỗ lực thực hiện./.

Chú thích:

1. C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Tuyển tập, tập VI, NXB Sự thật,H., 1980, tr.119.

2. Sđd, tập I, 1980, tr.563-564

3. Sđd, tập VI, 1984, tr.131.

4. Sđd, tập V, 1984, tr.447

5. Sđd, tập V, tr.448.

PGS - TS Trần Đình Huỳnh