Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Đăng Túc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đào Hồng Lan kết luận tại điểm cầu Bắc Ninh.

Báo cáo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW ngày 3-9-2008 của Ban Bí thư, hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, huyện đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động của Trung tâm; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên; thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Qua đó, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Trung tâm trong việc nâng cao trình độ, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị còn chậm đổi mới; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa tương xứng với vị trí, chức năng của Trung tâm và yêu cầu về công tác cán bộ hiện nay; cơ sở vật chất của nhiều Trung tâm chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác giảng dạy; chưa có chủ trương và bộ tiêu chí về mô hình Trung tâm chuẩn, trong khi nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị cấp cơ sở ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn.

Quán triệt, triển khai những nội dung theo Kết luận 66-KL/TW của Ban Bí thư về tổng kết việc thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW và Quy định 208-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm chính trị cấp huyện, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh các chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm chính trị cấp huyện. Để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đổi tên “Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện” thành “Trung tâm chính trị cấp huyện”…

Kết luận tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm chính trị cấp huyện, trong thời gian tới, cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị cần có những đổi mới trong tổ chức và chỉ đạo hoạt động Trung tâm. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Trung tâm đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở. Xác định rõ vị trí, chức năng của Trung tâm là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, do cấp ủy cấp huyện chỉ đạo. Cấp ủy cấp huyện trực tiếp lãnh đạo thực hiện về nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức bộ máy và biên chế; chế độ, chính sách cho cán bộ, giảng viên, học viên. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đảm bảo kịp thời, đầy đủ kinh phí đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng của các Trung tâm, chuẩn hóa các Trung tâm chính trị cấp huyện. Ban Tuyên giáo, Trung tâm chính trị cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện theo Quy định, thực hiện tốt chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy, quan tâm giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Kịp thời tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hằng năm; xây dựng quy chế phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện; quy tụ các lớp đào tạo, bồi dưỡng về Trung tâm chính trị.

Theo Báo Bắc Ninh