Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: MT)

 

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương về Bắc Ninh khảo sát thực tế và cùng tổ chức tọa đàm, trao đổi khoa học những vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước. Tại Bắc Ninh Đoàn thu thập những thông tin, dữ liệu cần thiết cho công tác xây dựng Báo cáo tư vấn phục vụ Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và chia sẻ, góp ý đối với việc định hình một số chủ trương, chính sách lớn giúp Bắc Ninh có thể tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sau 25 năm tái lập tỉnh (1997 - 2022) từ một tỉnh nghèo, thuần nông, đến nay tỉnh Bắc Ninh đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc. Với những tư duy, chính sách đột phát đẩy mạnh CNH, HĐH, thể hiện mục tiêu xuyên suốt đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015. Trong đó, xác định phát triển công nghiệp công nghệ cao, hình thành công nghiệp hỗ trợ; thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân; thực hiện tổ chức không gian kinh tế và đô thị trên địa bàn tỉnh, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại... Kết quả, kinh tế Bắc Ninh liên tục tăng trưởng cao (bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt 13,9%/năm); GRDP năm 2021 gấp 23,8 lần năm 1997 (năm 2021 tăng 6,9%, đứng thứ 13 cả nước); Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Quy mô công nghiệp tăng nhanh, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1000 lần năm 1997, đứng thứ nhất cả nước. Kinh tế đối ngoại phát triển, với 1.717 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 21,2 tỷ USD, gấp 151 lần năm 1997, đứng thứ 7 cả nước thu hút các nhà đầu tư của 38 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ; nhiều chính sách thực hiện ở mức cao hơn so với quy định của Trung ương

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Bắc Ninh có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương và tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh, các đại biểu cùng trao đổi những vấn đề thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp; những tồn tại, vướng mắc trong quá trình phát triển CNH, HĐH của tỉnh Bắc Ninh; kiến nghị Trung ương nghiên cứu sửa đổi, ban hành chính sách tạo thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Đoàn nghiên cứu của Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao quá trình phát huy những tiềm năng, lợi thế, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của địa phương, đề ra nhiều chủ trương, cơ chế chính sách khá toàn diện trên mọi lĩnh vực tạo tiền đề và thúc đẩy quá trình CNH, HĐH của tỉnh. Trước những thách thức của thời kỳ mới, Bắc Ninh cần đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng cân bằng; chú trọng kết hợp giữa các khu vực kinh tế: FDI, nhà nước, tư nhân; vận dụng tốt 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, công nhân lao động; tiếp tục thu hút các nguồn lực để hướng tới sự phát triển bền vững và trở thành động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước.

Cùng ngày, Đoàn nghiên cứu của Hội đồng lý luận Trung ương đi thăm, khảo sát và tìm hiểu mô hình hoạt động tại Công ty cổ phần sữa Vinamilk tại Khu công nghiệp Tiên Sơn./.

MT