Tăng cường đối thoại với Nhân dân

Trong nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tỉnh Bắc Ninh chú trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng không ngừng được nâng lên; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến tích cực.

Cụ thể, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã chủ động, nghiêm túc triển khai quán triệt, nghiên cứu, tuyên truyền, tổ chức thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương. Tỷ lệ đảng viên tham gia học nghị quyết đạt 96%, tăng 0,43% so với nhiệm kỳ trước. Các hoạt động giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên, giáo dục truyền thống được đổi mới về nội dung, phương pháp và phát huy hiệu quả. Công tác thông tin tuyên truyền đa dạng hóa với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả.

Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được nghiêm túc triển khai thực hiện, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đạt kết quả thiết thực, với vai trò nêu gương của 100% cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt và trên 90% cán bộ, đảng viên đăng ký làm theo.

Bắc Ninh bứt phá trong phát triển công nghiệp (Ảnh: Quỳnh Nga)

Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), toàn tỉnh đã giảm 211 cơ quan, đơn vị và 276 chức danh lãnh đạo; tinh giản biên chế 144 công chức, 1.830 người làm việc, 59 người hợp đồng theo Nghị định 68; đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố giảm 3.809 người.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đảng viên được nâng lên. Trong nhiệm kỳ, kết nạp 8.245 đảng viên mới, bình quân hàng năm đạt 110% chỉ tiêu Đại hội. Thực hiện có hiệu quả quy định các đồng chí cấp ủy đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ. Nhờ quán triệt nghiêm túc, thực hiện đồng bộ các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển, điều động và thực hiện chính sách cán bộ bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định, quy trình, hướng dẫn của Trung ương mà Bắc Ninh đã bố trí 5/8 Bí thư (chiếm 62,5%) và 4/8 Chủ tịch UBND cấp huyện (chiếm 50%) không phải là người địa phương.

Thực hiện nghiêm việc kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp và tổ chức Đảng cấp dưới; tập trung những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; đẩy mạnh công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thi hành kỷ luật đảng viên; xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Các cấp ủy đã kiểm tra 2.354 tổ chức Đảng và 13.300 đảng viên; giám sát chuyên đề 2.115 tổ chức Đảng và 8.207 đảng viên theo Điều 30 Điều lệ Đảng; kiểm tra 73 tổ chức đảng và 265 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; thi hành kỷ luật 33 tổ chức đảng và 1.643 đảng viên.

Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân vận theo hướng gần dân, sâu sát cơ sở; coi trọng công tác dân vận chính quyền, tăng cường đối thoại với Nhân dân. Từ năm 2015 đến nay có 2.117 cuộc đối thoại, trong đó cấp tỉnh 34, cấp huyện 592, cấp xã 1.491 và 29 cuộc do Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đối thoại với Nhân dân, người lao động...; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quy chế dân chủ, công tác tôn giáo, phong trào thi đua dân vận khéo, tổ dân vận ở khu dân cư, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được quan tâm, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng; ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng.

Có thể khẳng định, phương thức lãnh đạo của Đảng ở Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2105 - 2020 được đổi mới theo tinh thần sáng tạo, chỉ đạo có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Hoạt động của hệ thống chính quyền được tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả, quyết liệt cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản trị địa phương, xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI năm 2019 xếp hạng 4/63 tỉnh/thành); thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã gắn với đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Giá trị sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước

Giai đoạn 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo động lực xây dựng Bắc Ninh phát triển toàn diện. Đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng để Bắc Ninh tiếp tục phát triển toàn diện, hoàn thiện các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương. Tạo bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, tạo tiền đề cơ bản đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng.

Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân tăng 6,6%/năm (tính riêng giai đoạn 2016 - 2019 tăng 9,2%); quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2020 ước đạt 195,4 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2015 và chiếm 3% GDP cả nước, đứng thứ 7 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.900 USD, gấp 1,2 lần so với năm 2015 và gấp 2,1 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 74,7%; dịch vụ chiếm 22,1%; nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 3,2%.

Quy mô sản xuất công nghiệp tăng nhanh, khẳng định vững chắc vai trò “đầu tàu” cho tăng trưởng và phát triển kinh tế; tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tăng từ 61,7% năm 2015 lên 86% năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước 1.066 nghìn tỷ đồng, gấp gần 1,7 lần năm 2015 (riêng năm 2019 đạt 1.109 nghìn tỷ đồng); bình quân tăng 11,2%/năm; đứng đầu cả nước. Bước đầu phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành các cụm liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Công nghiệp trong nước được quan tâm, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng thương hiệu sản phẩm theo hướng xanh, bền vững.

Nhờ đẩy mạnh kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ mà Bắc Ninh đã hình thành mạng lưới 4 trung tâm thương mại quy mô lớn; 469 siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích; 3 tuyến phố chuyên doanh, gắn kết thành thị với nông thôn, Bắc Ninh với các tỉnh. Năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước 63,9 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015; bình quân tăng 12,5%/năm. Hoạt động ngoại thương đóng góp lớn cho kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước; năm 2020 xuất khẩu ước 36 tỷ USD (vượt 4 tỷ USD so mục tiêu Đại hội), gấp 1,7 lần năm 2015 và đứng thứ 2 toàn quốc.

Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng liên kết, tích tụ ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh, 100% xã và các huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 15% so với kế hoạch đề ra).

Tập trung khai thác các nguồn thu ngân sách, đóng góp ngày càng cao về Trung ương (từ năm 2017 là 17%) và đảm bảo cân đối chi ngân sách địa phương, nhất là chi đầu tư phát triển. Năm 2020, tổng thu ngân sách ước đạt 27 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, bình quân tăng 12,2%/năm (riêng năm 2019 đạt 30,4 nghìn tỷ đồng); trong đó thu nội địa bình quân tăng 15,8%/năm. Quản lý chi ngân sách địa phương chặt chẽ, hiệu quả; tổng chi ngân sách địa phương năm 2020 ước đạt 18,7 nghìn tỷ đồng; gấp 2 lần năm 2015, bình quân tăng 15,3%/năm.

Đảm bảo nhất quán chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư; tổ chức nhiều cuộc đối thoại, giải quyết kiến nghị, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước, lũy kế đã thu hút được 19,8 tỷ USD; đầu tư trong nước được 161 nghìn tỷ đồng; khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp được 17.561 doanh nghiệp và 3.467 đơn vị trực thuộc với vốn điều lệ đạt 265 nghìn tỷ đồng.

100% cơ quan nhà nước sử dụng cổng thông tin điện tử

Thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; là tỉnh đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục - xóa mù chữ ở mức độ cao nhất; chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn được nâng lên, luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về giáo dục, tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng; tỷ lệ học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 85,3%; tỷ lệ kiên cố hóa phòng học và trường công lập chuẩn quốc gia đạt 100%.

Cán bộ Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều)

Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả Chương trình sữa học đường cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học, tỉnh đã thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh, thực hiện mục tiêu “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”.

Diện mạo đô thị thay đổi rõ nét, với nhiều công trình kiến trúc hiện đại, thể hiện hình ảnh đô thị “Năng động - Hiện đại - Phát triển”; thành phố Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại I và thị xã Từ Sơn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh; huyện Quế Võ là đô thị loại IV; tích cực triển khai Đề án xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 ước 419.000 tỷ đồng, vượt 56.000 tỷ đồng so mục tiêu Đại hội, tỷ lệ vốn đầu tư so với GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 46%”, Dự tháo báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 -2025 nhấn mạnh.

Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh bước đầu đạt kết quả; 100% các cơ quan nhà nước sử dụng cổng thông tin điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành, hòm thư công vụ, chứng thư số…, chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index) năm 2019 xếp thứ 6/63 tỉnh/thành.

Không phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự

Nhiệm kỳ qua, công tác quốc phòng, quân sự địa phương ở Bắc Ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đối ngoại tiếp tục được mở rộng, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên chăm lo công tác xây dựng lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; hoàn thành công tác tuyển quân hàng năm. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; kịp thời giải quyết các vụ việc phức tạp, không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự; bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị của tỉnh.

Tăng cường mở rộng hợp tác, đối ngoại và tổ chức ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế đảm bảo đúng trình tự, nội dung và thẩm quyền; thúc đẩy hợp tác song phương với các địa phương, tổ chức nước ngoài trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, Bắc Ninh trực tiếp viện trợ cho tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào khoảng 4 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, văn hóa giáo dục.

Với những kết quả nổi bật như trên, Nhân dân trong tỉnh tin tưởng và kỳ vọng sau 23 năm tái lập, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ tiếp tục phát huy sự đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, thường xuyên lắng nghe ý kiến, tâm tư và nguyện vọng từ cơ sở, để Bắc Ninh tiếp tục cùng cả nước đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá, xây dựng một Bắc Ninh ngày càng giàu mạnh, văn minh, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.

PV