(Ảnh minh hoạ)
Theo đó, việc thực hiện theo cơ chế “5 tại chỗ” các quy trình giải quyết TTHC gồm: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả, nhằm góp phần bảo đảm các TTHC được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian, có cơ chế kiểm tra, giám sát, các hoạt động được thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu. Đồng thời, áp dụng quy trình điện tử gắn với số hóa toàn bộ hồ sơ, kết quả TTHC để xử lý trên phần mềm điện tử và áp dụng chữ ký số để phê duyệt kết quả; in ấn, phát hành kết quả TTHC ngay tại Trung tâm HCC.
Đề án được chia thành 2 giai đoạn thực hiện, giai đoạn 1 (từ ngày tháng 9 - 12/2021) lựa chọn các TTHC đơn giản, có tính khả thi, phù hợp, thiết thực với tổ chức và người dân, có thời gian giải quyết ngắn ngày, không có sự tham gia giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị... và thường xuyên phát sinh hồ sơ để tổ chức thực hiện quy trình “5 tại chỗ”. Trong đó, cấp tỉnh tối thiểu 30% TTHC; cấp huyện tối thiểu 60% TTHC.
Giai đoạn 2 (thực hiện trong năm 2022): 100% TTHC có phát sinh hồ sơ, đủ điều kiện thực hiện quy trình “5 tại chỗ” tại Trung tâm HCC; tối thiểu 50% TTHC thực hiện phân cấp hoặc ủy quyền cho công chức tiếp nhận hồ sơ thực hiện thẩm định hồ sơ hoặc phê duyệt kết quả theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện rà soát các TTHC theo ngành, lĩnh vực quản lý và thuộc thẩm quyền giải quyết, tập trung những TTHC đơn giản, có tính khả thi, phù hợp, thiết thực với tổ chức và người dân, có thời gian giải quyết ngắn ngày, không có sự tham gia giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị và thường xuyên phát sinh hồ sơ để giải quyết theo quy trình “5 tại chỗ” tại Trung tâm HCC. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan phải triển khai thực hiện với yêu cầu xác định rõ lộ trình thời gian thực hiện, số lượng các TTHC thực hiện quy trình “5 tại chỗ” tại Trung tâm HCC theo mục tiêu đề ra tại Đề án.
Cùng với đó, tiếp tục cải cách quy trình giải quyết, tổ chức rà soát, đánh giá và kiến nghị sửa đổi quy trình giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng và bố trí cán bộ đáp ứng yêu cầu đến làm việc tại Trung tâm HCC; thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế “5 tại chỗ” đảm bảo thực chất, hiệu quả, đúng yêu cầu. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về triển khai thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế “5 tại chỗ” đặc biệt việc thực hiện quy trình điện tử và số hóa sản phẩm đầu ra nhằm tạo cơ sở hình thành công chức điện tử thúc đẩy thực hiện thành công việc xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số./.