Đây là 2 gợi ý ưu tiên lựa chọn cho Bắc Ninh phát triển mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra trong buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh diễn ra chiều 30/7 để đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị.

Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; lãnh đạo một số Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Nhật Bắc)

Trước đó, vào buổi sáng, Thủ tướng đã dự lễ khởi công dự án đầu tư các tuyến đường tỉnh 295C, 285B kết nối thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với Quốc lộ 3 mới, đường tỉnh 277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường vành đai 4; thăm, làm việc với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV); thăm và làm việc tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân tại xã Thụy Hòa và xã Yên Trung, huyện Yên Phong.

Các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2022, GRDP của tỉnh tăng cao (2021 tăng 6,9%, 2022 tăng 7,39%). Riêng năm 2022, khu vực công nghiệp tăng 6,93%, dịch vụ tăng 13,67%, nông nghiệp tăng 0,52%.

"Con người Bắc Ninh "trọng chữ tình", yêu nước, thượng võ; cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, tinh xảo hoạt bát trong giao thương buôn bán; thông minh hiếu học và giàu truyền thống khoa bảng; say mê các hoạt động và sáng tạo nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu và đặc sắc…", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.

Quy mô kinh tế tỉnh năm 2022 đạt gần 250.000 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3 cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỉ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 76,5%, dịch vụ chiếm 17,22%, nông nghiệp chiếm 2,53%).

Giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước (năm 2022 là gần 1,35 triệu tỷ đồng). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ở mức cao, đứng thứ 2 cả nước (năm 2021 đạt 83,2 tỷ USD, xuất siêu 6,6 tỷ USD; năm 2022 đạt 83,7 tỷ USD, xuất siêu 6,5 tỷ USD). Thu hút FDI tốt, hiện tổng vốn đầu tư FDI đạt 24,2 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.

Nhiều chỉ số cải cách hành chính thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2022, PCI xếp thứ 7/63, chỉ số Xanh cấp tỉnh thứ 3/63. Chuyển đổi số được đẩy mạnh; chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022 xếp thứ 7/63.

Là tỉnh đầu tiên xuất hiện dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ tư với đặc thù nhiều khu công nghiệp, công nhân đông, di chuyển phức tạp, Bắc Ninh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo và đã kiểm soát tốt dịc, đồng thời, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp, đối tượng gặp khó khăn.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội được quan tâm, đời sống người dân được nâng cao. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, đứng thứ 3 cả nước. Tỉ lệ hộ nghèo thấp, chỉ 0,94% (giảm 0,1% so với năm 2020).

Trong 7 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh hết sức khó khăn do yếu tố khách quan là chủ yếu, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn có nhiều điểm sáng. Sản xuất có dấu hiệu phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp-IIP từ tháng 3/2023 đến nay theo xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, tháng 7 có tốc độ tăng cao nhất, tăng 23,84% so với tháng 6.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 53,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 2.637 doanh nghiệp, lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 1.425 doanh nghiệp. Vốn FDI đăng ký mới 7 tháng đạt 768,8 triệu USD, tăng gần 4,6 lần so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7 tăng 10,7% so với cùng kỳ.

Bắc Ninh là địa phương triển khai "Tỉnh an toàn giao thông", tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị thế tốp đầu cả nước. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tỉnh có thêm 2 thị xã Thuận Thành và Quế Võ.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, đánh giá tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Ninh, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Dành nhiều thời gian phân tích về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Bắc Ninh, Thủ tướng và các đại biểu nêu rõ, Bắc Ninh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía đông bắc của Thủ đô, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn của phía bắc.

Tỉnh có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư trong nước và tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng Thủ đô.

Mắc dù có diện tích tự nhiên nhỏ nhất Việt Nam (822,7 km2) nhưng dân số Bắc Ninh gần 1,5 triệu người (đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố), mật độ dân số cao thứ 3/63 tỉnh, thành phố (chỉ sau Hà Nội và TP HCM).

Hệ thống đường cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh, các tuyến đường quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế phía bắc; nằm trong hai hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có đường sông thuận lợi nối với các vùng lân cận; gần sân bay quốc tế Nội Bài, cảng biển Hải Phòng và các trung tâm kinh tế lớn miền Bắc, thuận lợi cho giao thương.

Hệ thống khu, cụm công nghiệp phát triển nhanh, là điểm sáng trong thu hút FDI. Với 26 cụm công nghiệp có tổng diện tích gần 900 ha, Bắc Ninh sở hữu mặt bằng sản xuất lớn thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Đức Thắng)

 

Hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, điện, nước, nhà ở… được triển khai xây dựng đồng bộ. Môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tốc độ phát triển doanh nghiệp và kinh tế - xã hội ở mức cao.

Tiềm năng phát triển du lịch lớn với nền văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, chiều sâu giá trị văn hóa của ngàn năm lịch sử vun bồi, của những di tích lịch sử, đình đền chùa và các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ.

Không chỉ được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng Kinh Bắc có 17 trạng nguyên và 622 tiến sĩ; giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, thời kỳ nào cũng có nhiều danh nhân có đóng góp lớn cho đất nước, Bắc Ninh còn có kho tàng văn hoá dân gian - nổi tiếng với dân ca quan họ - trung tâm Kinh Bắc xưa (có hơn 300 lễ hội lớn nhỏ, 41 lễ hội được duy trì hàng năm như hội chùa Dâu, hội Lim, hội Đền Đô, hội đền Bà Chúa Kho...).

Tỉnh có nhiều công trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc, dân ca quan họ trữ tình đằm thắm, dòng nghệ thuật tạo hình, tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng... Nhiều làng nghề truyền thống như tranh Đông Hồ, gỗ mỹ nghệ Phù Khê, gốm Phù Lãng, gò đúc đồng Đại Bái...

Con người Bắc Ninh "trọng chữ tình", yêu nước, thượng võ; cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, tinh xảo hoạt bát trong giao thương buôn bán; thông minh hiếu học và giàu truyền thống khoa bảng; say mê các hoạt động và sáng tạo nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu và đặc sắc…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Đức Thắng)

 

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhận diện và khai thác hiệu quả những tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, Bắc Ninh sẽ phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sớm trở thành một thành phố văn minh, hiện đại.

Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng và các đại biểu nêu rõ một số tồn tại, hạn chế của Bắc Ninh, cụ thể tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2023 giảm sâu (6 tháng GRDP giảm 12,59%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng giảm 16,62%.

Công tác giải ngân đầu tư công cần cố gắng nhiều hơn; công tác quy hoạch cần khẩn trương hơn; việc giải phóng mặt bằng còn khó khăn… Tổng vốn FDI vào Bắc Ninh trong 7 tháng 2023 đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ. Hạ tầng kết nối vùng còn yếu và thiếu. Việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính cần nỗ lực hơn nữa.

“Tỉnh cần phân tích sâu hơn nguyên nhân của những hạn chế, từ đó có biện pháp, giải pháp khắc phục sớm, hiệu quả. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh trong những tháng đầu năm suy giảm sâu do nguyên nhân khách quan là chủ yếu, do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, nhất là nhu cầu trên thị trường thế giới đối với các sản phẩm mà Bắc Ninh có thế mạnh bị suy giảm”, Thủ tướng cho rằng.

Ngược lại, nhiều vấn đề có nguyên nhân chủ quan do ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, còn đùn đẩy, né tránh, chờ đợi; không dám làm; không chịu làm.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, xây dựng Bắc Ninh phát triển nhanh và bền vững, nhanh chóng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò đô thị vệ tinh của Hà Nội - đây là lợi thế và cũng là thách thức của tỉnh.

Tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng. Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, cần chú trọng phát triển hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Bên cạnh đó, cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, đi lên từ bàn tay, khối óc, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại.

Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh; lãnh đạo tỉnh phải coi đây là nhiệm vụ chính trị cần được tập trung ưu tiên thực hiện.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tập trung tái cấu trúc nền kinh tế để phát triển nhanh, bền vững với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, làm việc có trọng tâm, trọng điểm hơn, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả. Trong chỉ đạo, điều hành, cần lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, là động lực phát triển. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ. Tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL phối hợp, hướng dẫn UBND tỉnh Bắc Ninh hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Đức Thắng)

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Chủ động xây dựng các nghị quyết, đề án, quy hoạch phát triển để triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) với các nhiệm vụ, giải pháp về chính sách tiền tệ, tài khóa…, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, triển khai chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng. Khẩn trương trình phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành chậm nhất trong tháng 10/2023.

“Trong quy hoạch cần chú ý vấn đề kết nối vùng; phát huy được tiềm năng, cơ hội, lợi thế; khắc phục được những vấn đề tồn tại, hạn chế như về giao thông và môi trường. Tinh thần là "quy hoạch đi trước, xây dựng đi sau, trồng cây trước, xây nhà sau, khai thác lòng đất trước, khai thác mặt đất sau", Thủ tướng lưu ý.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; đặt mình vào địa vị của người dân khi giải quyết công việc, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.

Cùng với đó, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp… Phải quan tâm đầu tư, cải tạo các dòng sông gắn với phát triển xanh, bền vững, bảo đảm an toàn nguồn nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm. Quan tâm công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nhất là với người nghèo, đặc biệt quan tâm việc xây dựng nhà ở xã hội, Bắc Ninh làm mô hình cho cả nước về vấn đề này.

Phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, phối hợp với các cơ quan thành lập trường đại học xứng tầm với thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương trong tương lai.

Đẩy mạnh quảng bá về du lịch lễ hội; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch (lễ hội, làng nghề, ẩm thực…); nâng cao chất lượng nhân lực du lịch; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ.

Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quyết tâm giảm các tội phạm hình sự, ma túy, buôn lậu và tai nạn giao thông.

Tại cuộc làm việc, 18 đề xuất, kiến nghị của Bắc Ninh, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách chung cho các địa phương đã được Thủ tướng và lãnh đạo các Ban, bộ, ngành giải đáp cụ thể./.

PV