Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Thế Thực)
Giai đoạn 3b nghiên cứu "Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng đánh giá được, có làm mù, đánh giá tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch và hiệu quả của vắc xin RNA tự khuếch đại ARCT-154 phòng SARS-CoV-2 ở người trưởng thành", được triển khai tại 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Phong gồm: Tam Giang, Yên Phụ, Hoà Tiến, Đông Thọ và thị trấn Chờ với khoảng 6.000 người tự nguyện tham gia.
Theo kế hoạch, từ ngày 14/10 - 10/11 sẽ tổ chức khám sàng lọc; từ ngày 16/10 - 13/11 tổ chức tiêm mũi 1, từ ngày 14/11 - 11/12 tiêm xong mũi 2 cho các đối tượng. Đồng thời tổ chức lẫy mẫu miễn dịch vào trung tuần tháng 12/2021 và kết thúc chương trình thử nghiệm.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, kiến nghị và đưa ra một số giải pháp để triển khai thử nghiệm vắc xin ARCT-154 giai đoạn 3b đạt kết quả cao như: tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu về lợi ích, quyền lợi khi tham gia thử nghiệm; công tác chuẩn bị nhân sự; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ tham gia khám sàng lọc, tiêm vắc xin…
Theo Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, vắc xin ARCT -154 là nghiên cứu kế thừa công nghệ của vắc xin Frizer và Modena, đã được nghiên cứu thử nghiệm tại Mỹ và Singapore. Vắc xin ARCT-154 có ưu điểm vượt trội, nhất là đối phó được cả 04 biến chủng nguy hiểm nhất hiện nay. Hơn nữa, nồng độ kháng thể sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin kéo dài sau 6 - 12 tháng. Đây là sản phẩm kết hợp công nghệ cao, đạt kỷ lục ngắn nhất, đồng thời thiết kế nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tại Việt Nam, vắc xin ARCT-154 đã được thử nghiệm trên 2.000 tình nguyện viên tại miền Nam và miền Bắc. Thông qua thử nghiệm cho thấy, vắc xin ARCT-154 an toàn. Kết thúc thử nghiệm, sẽ đề xuất cấp phép sản xuất tại Việt Nam vào ngày 31/12/2021. Sau khi được cấp phép sản xuất, vắc xin ARCT-154 sẽ được tiêm phủ rộng, tạo miễn dịch cộng đồng cho người dân, đặc biệt sẽ giúp Việt Nam chủ động được vắc xin trước thực trạng thiếu hụt nguồn vắc xin như hiện nay./.