Lực lượng chức năng sơ tán người dân khu phố Quả Cảm, thành phố Bắc Ninh đến vùng an toàn vào tối 10/9.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, do ảnh hưởng của bão số 3, các sông trong tỉnh đồng loạt xuất hiện lũ lớn. Trước tình hình nguy cấp, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó khẩn cấp. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, lực lượng quân đội, công an và người dân, thiệt hại về người đã được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản là rất lớn.

Tổng thiệt hại do bão số 3 và lũ lụt gây ra trên toàn tỉnh ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp là 220 tỷ đồng, về cơ sở hạ tầng là 600 tỷ đồng và về đê điều, thủy lợi là 180 tỷ đồng.

Cụ thể, bão lũ đã làm 52 người bị thương, tốc mái, hư hại gần 12.000 ngôi nhà, công trình; làm đổ, gãy hơn 35.000 cây xanh; gây thiệt hại cho gần 10.000ha lúa và hàng nghìn ha rau màu, cây ăn quả. Lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề với hàng chục nghìn gia súc, gia cầm bị chết và hàng trăm tấn thủy sản bị mất trắng.

Về hạ tầng kỹ thuật cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Hàng trăm cột điện bị đổ, hàng nghìn mét dây điện bị đứt, khiến nhiều khu vực bị mất điện trong thời gian dài.

Trước những thiệt hại nặng nề, tỉnh Bắc Ninh đã và đang nỗ lực khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống và sản xuất. Tuy nhiên, với nguồn lực ngân sách địa phương hạn hẹp, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất một số kiến nghị lên Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cụ thể: Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, điều chỉnh nâng mức giá hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đối với lúa, mạ, cây trồng, vật nuôi trên 1ha diện tích sản xuất. Đơn giá hỗ trợ theo quy định hiện hành tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP quá thấp so với chi phí đầu tư thực tế của người dân. Ví dụ: Nghị định quy định hỗ trợ 2 triệu đồng/ha lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, trong khi thực tế hiện nay chi phí sản xuất đã tăng cao hơn nhiều.

Bổ sung mức giá hỗ trợ cụ thể cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như nhà màng, hoa cây cảnh và một số công trình hạ tầng khác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nghị định chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, gây khó khăn trong việc xác định đơn giá hỗ trợ cho người dân.

Xem xét các chính sách khoanh nợ, gia hạn thời gian vay vốn và tiếp tục cho vay vốn ưu đãi. Điều này sẽ giúp các chủ hộ sản xuất kinh doanh bị thiệt hại có nguồn tài chính để khôi phục sản xuất nông nghiệp. Đề nghị có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là những thiệt hại do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3.

Trước những thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết: "Chúng ta không thể ngăn chặn thiên tai, nhưng chúng ta có thể giảm thiểu thiệt hại bằng những hành động thiết thực".

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tin tưởng rằng, với sự chung tay của cả cộng đồng, người dân Bắc Ninh sẽ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội./.

PV