Trên cơ sở đó, họp bàn với các sở, ngành, địa phương bảo đảm cơ chế phối hợp, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; rà soát, nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Đây là chỉ đạo của đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh tại buổi làm việc với Trung tâm HCC tỉnh ngày 28/6.

Theo Báo cáo của lãnh đạo Trung tâm HCC tỉnh, thông qua các hoạt động tại Trung tâm HCC tỉnh, Trung tâm HCC cấp huyện và Bộ phận 1 cửa cấp xã, mọi yêu cầu của doanh nghiệp, công dân liên quan đến TTHC được hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, nhờ đó từng bước thay đổi cách thức làm việc, nâng cao trình độ, trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức; tạo cầu nối gần gũi, thân thiện, gắn kết giữa doanh nghiệp, công dân với cơ quan Nhà nước; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tạo sự hài lòng của người dân về chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, góp phần quan trọng tạo sự bứt phá, nâng cao vị trí xếp hạng các chỉ số đánh giá địa phương của tỉnh.

Đồng chí Vương Quốc Tuấn trao đổi với lãnh đạo Trung tâm HCC tỉnh (Ảnh: Mạnh Thắng)

Thống kê 3 năm, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận, giải quyết (ở cả 3 cấp gồm Trung tâm HCC tỉnh, huyện và Bộ phận một cửa cấp xã) là hơn 1,7 triệu, trong đó, tỷ lệ trả sớm trước thời hạn đạt gần 90%. Bên cạnh đó, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh có kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia để phục vụ công dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước triển khai áp dụng thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC trực tuyến với 391 dịch vụ mức độ 3 và 412 dịch vụ mức độ 4.

Trong giai đoạn Bắc Ninh thực hiện giãn cách và cách ly xã hội, cùng với việc triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch, Trung tâm HCC tỉnh vẫn thực hiện tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn công dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm triển khai hiệu quả “mục tiêu kép”.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm HCC còn những bất cập, vướng mắc liên quan đến thể chế pháp lý, quyền hạn và cơ chế vận hành; chất lượng giải quyết TTHC một số lĩnh vực còn chậm; công tác đào tạo, bồi dưỡng và cơ chế chính sách cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm…

Trung tâm kiến nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp tham mưu hoàn thiện thể chế pháp lý, cụ thể: điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm HCC tỉnh; quy chế phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan liên quan bảo đảm thống nhất trong chỉ đạo điều hành nhiệm vụ được giao; chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống công nghệ thông tin; đào tạo bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó quan tâm hơn những người đã có thời gian trực tiếp làm việc tại bộ phận một cửa các cấp…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm HCC tỉnh rà soát, tham mưu các quy định liên quan về thẩm quyền giải quyết, thực hiện phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC “4 tại chỗ”; rà soát các danh mục TTHC bảo đảm thực hiện khả thi, chặt chẽ, đúng quy định; cách thức bố trí cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm HCC tỉnh khẩn trương thực hiện số hóa toàn bộ quy trình giải quyết TTHC nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm HCC tỉnh, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo cơ chế, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, đáp ứng nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong thời gian tới./.

PV