Chiều 23/3, tại thành phố Bắc Ninh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Tọa đàm phát huy giá trị phong trào “Nghìn việc tốt” trong giai đoạn hiện nay.

Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang, đây là diễn đàn tôn vinh, trao đổi, chia sẻ về quá trình hình thành, phát triển, những thành tựu, đóng góp của phong trào “Nghìn việc tốt” đối với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và các thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Qua đó, chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý báu và đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tiếp tục phát huy giá trị của phong trào “Nghìn việc tốt” trong thời gian tới.

Học sinh, đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Thái Sơn)

Các ý kiến tham luận đã đề cập tới những nền tảng vững chắc xây dựng và phát triển thế hệ trẻ; khẳng định sự ra đời của phong trào “Nghìn việc tốt” là một tất yếu lịch sử, mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, góp phần hình thành nhân cách thế hệ măng non - chủ nhân tương lai của đất nước.

Theo thầy giáo Nguyễn Đức Thìn (người khởi xướng phong trào Nghìn việc tốt), Chi đoàn và Liên đội Thiếu niên Tiền phong trường cấp 2 Liên Sơn (nay là trường THCS Tam Sơn) thành lập ngày 1/9/1961, sau đó đã phát động phong trào “Đọc và học tập sách, báo”. Xuân 1963, báo Thiếu niên Tiền phong có phóng sự tới 3 trang viết về “Liên đội nào bắt tay thi đua với Liên Sơn đọc và học tập sách báo?”. Liên tiếp nhiều số báo sau có chương mục “Bắt tay thi đua với Liên Sơn”. Việc này đã động viên Chi đoàn và Liên đội Thiếu niên Tiền phong trường cấp 2 Liên Sơn phải có hoạt động mới xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc. Vì thế, ngày 24/3/1963, Chi đoàn và Liên đội Ngô Gia Tự trường cấp 2 Liên Sơn đã tổ chức lao động trồng cây hai bên đường đoạn đi vào nhà đồng chí Ngô Gia Tự, đồng thời Tổng phụ trách Đội (thầy giáo Nguyễn Đức Thìn) có sáng kiến phát động phong trào mới “Thi đua làm nghìn việc tốt” thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy.

GS.TS Nguyễn Toàn Thắng, may mắn chứng kiến và tham gia phong trào từ những ngày đầu cho rằng, phong trào tùy không tạo nên nhiều anh hùng, danh nhân, giáo sư, tiến sĩ, nhưng nó đã góp phần quan trọng trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách của mỗi người, tạo nên nhiều thế hệ con em Tam Sơn trở thành những người lương thiện. 

Từ phong trào “Nghìn việc tốt” có thể thấy để một cuộc vận động, một phong trào thiếu nhi không chỉ mang tính hình thức thì các hoạt động cụ thể phải thiết thực, bổ ích, thích hợp với môi trường học tập và sinh sống của thiếu nhi. Một phong trào thiếu niên thành công nếu nó đáp ứng tính hiếu động, thích vui chơi và tính thích làm người lớn của trẻ em, nghĩa là nó phải thật sự lôi cuốn để các em có thể tự giác tham gia, “học mà chơi”, “chơi mà học”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tự Lập, nguyên Trưởng ban Nghệ thuật Quân sự (Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng) cho hay, 60 năm qua, phong trào “Nghìn việc tốt” vẫn sôi nổi, mới mẻ. Phong trào vẫn song hành cùng ông trong mỗi suy nghĩ, việc làm, dù đó là công việc mang tính cá nhân hay của tập thể. Ông luôn mong muốn làm sao mỗi công việc mà mình được giao phó, đảm nhiệm đều phải hoàn thành và hoàn thành tốt với khả năng và nỗ lực cao nhất.

Thời gian tới, phong trào thiếu nhi cần nâng cao hàm lượng giáo dục nhân cách, chú ý tới việc bồi dưỡng khả năng sáng tạo, tự do phát triển nhân bản và tinh thần trách nhiệm gắn liền với ý thức thượng tôn pháp luật, đồng thời đổi mới phương thức tổ chức hoạt động để có sức hấp dẫn các em hơn những cám dỗ vô bổ khác.

Chị Trịnh Thị Hiền Trân, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Phong trào “Nghìn việc tốt” chỉ thật sự lan tỏa khi những tấm gương, những câu chuyện, việc làm tốt được đội viên, thiếu nhi lan truyền và cùng thực hiện. Tới đây, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục quan tâm, phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, lan tỏa ngày càng nhiều các tấm gương tuổi nhỏ làm việc nhỏ.

Kết luận Tọa đàm, chị Nguyễn Phạm Duy Trang đánh giá các ý kiến, tham luận đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn, trở thành nền tảng, động lực cho phong trào “Nghìn việc tốt” trong giai đoạn mới.

Do đó, chúng ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của Đội. Trong nhà trường, phương thức chỉ đạo phong trào cần thống nhất về nội dung, các hoạt động cần cụ thể hóa, thường xuyên duy trì và phát triển phong trào, với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết./.

Anh Tuấn