Sau đại dịch COVID-19, tình trạng chung của không ít hộ kinh doanh, doanh nghiệp tại Bắc Ninh đó là thị trường có nhiều biến động, giá cả nguyên nhiên liệu tăng cao, nguồn vốn hạn chế… Song thời gian gần đây, chủ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đã có rất nhiều cơ hội vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn. Nhìn chung, các ngân hàng, tổ chức tín dụng ở Bắc Ninh đã quan tâm, tạo mọi điều kiện bằng cách đơn giản hoá thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, nhanh chóng.

Nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi đã tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tái đầu tư, duy trì sản xuất kinh doanh. Tiếp cận với nguồn vốn này, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệpnhư được tiếp thêm nguồn lực lớn. Đây là điều kiện giúp các cơ sở kinh doanh, donh nghiệp duy trì sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc hiện đại, nâng công suất, hiện đại hoá các dây truyền sản xuất.

Theo đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, nỗ lực của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong việc đầu tư vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thế mạnh của tỉnh là rất đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh cả ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay. Chính sự đồng hành này đã trực tiếp góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đóng góp cho các chỉ số tăng trưởng của tỉnh.

Được biết, tính đến hết ngày 31/8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc 5,56%). Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất là 8,87%, chiếm 36,58% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh, tiếp theo là ngành thương mại dịch vụ, tăng 4,63%, chiếm tỷ trọng cao nhất 60,41% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho khách hàng trên địa bàn tỉnh là 294 tỷ đồng cho hơn 88 lượt khách hàng.

Giải ngân tại Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Báo Bắc Ninh.

Kết quả này có được là nhờ các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong đó tập trung vào việc giảm lãi suất cho vay; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; triển khai nhiều gói vay ưu đãi, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tập trung cho vay sản xuất kinh doanh; đơn giản tối đa các thủ tục tiếp cận nguồn vốn ưu đãi;…

Bên cạnh đó, điểm nổi bật ở Bắc Ninh đó là các đơn vị liên quan của Tỉnh đã thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các Ngân hàng thương mại trên địa bàn trong việc triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, các chương trình tín dụng hỗ trợ, lãi suất của Chính phủ.

Được biết, trên cơ sở kết quả đã đạt được, thời gian tới, hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng ở Bắc Ninh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp tăng cường khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, tăng cường kết nối, phát huy đường dây nóng, chủ động giải quyết các vướng mắc giữa ngân hàng, doanh nghiệp.

Đặc biệt, coi trọng mở rộng tín dụng, đẩy mạnh việc cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng để thực hiện sản xuất, kinh doanh; gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh. Hỗ trợ tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ.

Đồng thời, tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề; trong đó, có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước.

Có thể thấy, với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng ở Bắc Ninh đã đóng vai trò quan trọng trong “tiếp sức”, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế của người dân và doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh./.

TL