Lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn. (Ảnh minh họa)

 

Thông qua công tác điều tra vụ án, giải quyết tin báo tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân trên địa bàn và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh tổng hợp một số phương thức, thủ đoạn phổ biến và kiến nghị một số nội dung thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này như sau:

- Giả danh ngân hàng để quảng cáo chương trình cho vay vốn online với lãi suất thấp: Các đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram,... dưới hình thức hỗ trợ vay vốn của ngân hàng. Khi khách hàng có nhu cầu vay vốn thì các đối tượng đề nghị khách hàng kết bạn Facebook, Zalo, Telegram,... và yêu cầu cung cấp ảnh thẻ ngân hàng, căn cước công dân,... Tiếp đến các đối tượng đề nghị khách hàng phải có số dư trong tài khoản ngân hàng từ 02 triệu trở lên mới đủ điều kiện giải ngân, sau đó dùng các thủ đoạn nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Tuyển cộng tác viên online chốt đơn hàng: Các đối tượng mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki...) tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà, có nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng để hưởng hoa hồng từ 10 - 40% (thường nhằm vào những người phụ nữ chưa có việc làm, đang nghỉ thai sản...). Với những đơn hàng đầu tiên, có giá trị thấp chúng trả gốc và lãi đầy đủ, nhanh chóng để tạo niềm tin, sau đó yêu cầu bị hại thanh toán đơn hàng giá trị cao; khi bị hại yêu cầu rút tiền gốc và lãi, chúng gây khó dễ bằng các lý do như: vi phạm quy định thanh toán, sai cú pháp, vượt quá hạn mức ngày... và bị khóa tài khoản; nếu muốn mở khóa phải chuyển thêm tiền “bảo lãnh”, thậm chí là nhiều lần, bị hại vì tiếc tiền nên chuyển cho chúng đến lúc hết khả năng thanh toán thì mới biết bị lừa.

- Lừa đặt cọc khi mua hàng trực tuyến: Các đối tượng tạo lập một số trang mua bán bán ô tô, xe máy, thiết bị điện tử, đồ tiêu dùng, cây cảnh... trên các trang mạng xã hội. Để mua được hàng, đối tượng yêu cầu phải chuyển khoản đặt cọc trước và thu hộ phần còn lại. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, đối tượng không giao hàng, cắt đứt mọi liên lạc.

- Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để nhắn tin “mượn” tiền: Bằng một số thủ thuật tinh vi hoặc do chủ tài khoản truy cập vào các đường link, trang web lạ, đăng ký các dịch vụ độc hại... các đối tượng chiếm được tài khoản mạng xã hội và nhắn tin mượn tiền các bạn bè trong danh sách, tin nhắn trước đó.

- Thông báo trúng thưởng: Đối tượng giả mạo nhân viên các nhãn hàng như: Ô tô, xe máy, điện thoại, các ngân hàng, tổ chức tín dụng... thông báo việc trúng thưởng các món hàng như xe máy, điện thoại, sổ tiết kiệm, voucher... có giá trị cao; sau đó, yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục nhận thưởng.

- “Giả vờ” có quan hệ tình cảm, tặng quà từ nước ngoài: Các đối tượng tạo “vỏ bọc” là người nước ngoài, quân nhân, doanh nhân thành đạt đang công tác nước ngoài làm quen với những bị hại là người nhẹ dạ, cả tin “giả vờ” yêu đương, hứa hẹn tặng quà có giá trị cao như: vàng, kim cương, USD... Đồng thời, các đối tượng giả danh nhân viên sân bay, hải quan, bưu điện, thuế... liên lạc với bị hại thông báo quà đã chuyển về Việt Nam, yêu cầu phải nộp các loại phí dịch vụ, hải quan, thuế... để làm thủ tục nhận quà.

- Giả danh cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Các đối tượng giả danh là cán bộ các cơ quan chức năng như: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thuế, Hải quan... gọi điện thông báo liên quan đến vụ án hình sự, ma túy, rửa tiền, trốn thuế, nợ thuế để gây sức ép, dọa nạt làm nạn nhân hoang mang, thậm chỉ làm giả các lệnh bắt giam, khởi tố để yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp tải khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra.

- Giả mạo thông báo của ngân hàng để chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản: Các đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng để gửi tin nhắn, gọi điện thông báo tài khoản của nạn nhân có dấu hiệu hoạt động bất thường, đang bị trừ phí hoặc đăng ký một số dịch vụ mà khách hàng không hề hay biết... dọa khóa tài khoản. Để giải quyết các vấn đề trên, đối tượng hướng dẫn khách hàng truy cập vào các link trang web giả mạo ngân hàng hoặc cài đặt ứng dụng do chúng tạo ra để đánh cắp các thông tin tài khoản ngân hàng.

- Đầu tư vào tiền ảo, sàn cổ phiếu. Đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh chóng của bị hại, tạo các sàn giao dịch tiền ảo “giả”, dẫn dắt, hướng dẫn tham gia giao dịch tiền ảo, đầu tư bằng cách bỏ tiền thật ra mua đổi tiền ảo. Thời gian đầu, khi đầu tư nhỏ, có lời, có thể đổi tiền từ tiền ảo sang tiền thật và có thể rút được tiền; khi đã tạo được lòng tin chúng dụ dỗ bị hại đầu tư lớn (với số tiền vài trăm triệu, vài tỷ), nâng cấp tài khoản VIP để tăng lợi nhuận, dễ dàng rút vốn… Khi đã “lùa” được nhiều nhà đầu tư chúng đánh sập sàn giao dịch và biến mất.

- Giả danh giáo viên thông báo học sinh bị tai nạn: Các đối tượng giả danh giáo viên điện thoại cho phụ huynh, thông báo con mình bị tai nạn nguy kịch, đang ở bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền gấp để làm thủ tục nhập viện, cấp cứu, phẫu thuật...

- Giả danh công an gọi điện hướng dẫn đăng ký CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi và cài đặt phần mềm VNeID, Dịch vụ công quốc gia giả mạo: Các đối tượng yêu cầu người dân tải phần mềm VNeID để làm tài khoản định danh mức 2 hoặc thông báo tài khoản chưa được tích hợp bảo hiểm y tế, thẻ căn cước công dân, dấu vân tay... Các đối tượng này gửi đường link qua tin nhắn hoặc các ứng dụng chat trực tuyến (như Zalo, Facebook...), hướng dẫn truy cập vào đường link để cài đặt phần mềm VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật. Sau khi người dân cài đặt ứng dụng giả mạo, sẽ bị các đối tượng chiếm quyền truy cập điện thoại ở mức cao (bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP...), kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Để chủ động trong phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm công nghệ cao trong tỉnh hình hiện nay, Công an tỉnh Bắc Ninh khuyến cáo người dân một số nội dung sau:

- Nắm chắc các thủ đoạn nêu trên, trước khi thực hiện các thao tác gửi tiền hoặc tham gia đường link (trang web) cần đề cao cảnh giác tránh bị lừa đảo. Không đăng tải các thông tin cá nhân, hình ảnh, hoạt động thường ngày của mình và người thân trên các trang mạng xã hội.

- Tự bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu các tải khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Gmail...), cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình.

- Tuyệt đối không giao dịch chuyển tiền, cung cấp mã OTP, mật khẩu tài khoản ngân hàng... cho người lạ nếu không xác định rõ thân nhân, lai lịch qua mạng xã hội.

- Tuyệt đối không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc, nhất là với những trang web có liên quan đến tài khoản ngân hàng. Cảnh giác với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường, “việc nhẹ lương cao”.

- Mỗi người dân cần tỉnh táo, bình tĩnh trước các tình huống, báo ngay cho đơn vị Công an gần nhất nếu phát hiện các vụ việc và thường xuyên theo dõi các báo, đài, cơ quan thông tin chính thống, cập nhật mới các thông tin về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng công nghệ cao trong tình hình mới./.

 

PV