Đây là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐHQH tỉnh Bắc Ninh tại Hội nghị Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh diễn ra chiều 06/9 tại Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ.

Dự Hội nghị còn có các đồng chí: Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐHQH tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐHQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Anh Tuấn)

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Thực hiện Chương trình chuyển đổi số, thời gian qua, Bắc Ninh đã sớm tiếp cận chủ trương của Chính phủ, chủ động ban hành Nghị quyết 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả tích cực: Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu được đầu tư đồng bộ, hiện đại; các cơ quan Đảng, nhà nước được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng 4G được phủ sóng rộng khắp toàn tỉnh, 100% các thôn, khu phố được cáp quang hóa, an toàn thông tin được bảo đảm.


Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn: Chuyển đổi số phải bắt đầu từ công dân số (Ảnh: Anh Tuấn)

Các hệ thống thông tin dùng chung như quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, hệ thống hội nghị truyền hình, hệ thống camera giám sát, ứng dụng phản ánh kiến nghị... hoạt động có hiệu quả, đã đóng góp tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là một nhiệm vụ khó khăn, song là xu hướng tất yếu khách quan không thể đảo ngược; là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, vì thế địa phương phải tiến hành có phương pháp; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo, thường xuyên tổng kết, đánh giá để có những bước đi phù hợp tiếp theo.

“Chuyển đổi số phải bắt đầu từ công dân số, do đó, phải xây dựng lớp công dân số mới nhằm đảm bảo hiệu quả của chuyển đổi số bền vững lâu dài. Đồng thời, quá trình chuyển đổi số phải diễn ra toàn diện, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; phải đo lường được quá trình chuyển đổi số quốc gia”, người đứng đầu Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Do vậy, Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) phải tham mưu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về chuyển đổi số theo từng tháng, quý, năm; theo dõi, đôn đốc việc triển khai chuyển đổi số tại các Sở, ngành, địa phương. Nghiên cứu xây dựng chỉ số đánh giá xếp hạng quá trình chuyển đổi số các Sở ngành, địa phương; rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả tất cả các dự án công nghệ thông tin, đảm bảo khả năng tích hợp, chia sẻ, khai thác tối đa hiệu quả dữ liệu dùng chung.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng (Ảnh: Anh Tuấn)

Trình bày tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2021, Bắc Ninh xếp thứ 4 toàn quốc Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, trong đó, chính quyền số xếp thứ 4, kinh tế số xếp thứ 6, xã hội số xếp thứ 6, đồng thời tham gia kênh truyền thông chuyển đổi số quốc gia trên Zalo, xây dựng nguồn nhân lực số, an toàn thông tin mạng và phát triển chính quyền số.

Trong các yếu tố cấu thành nhận thức số (nhận thức, thói quen và văn hóa), tỉnh đã bước đầu làm tốt về nhận thức số (9/10 chỉ tiêu), cần lặp lại hàng tuần, hàng tháng, hàng năm.

Tính đến 30/8/2022, Bắc Ninh có 3.334.900 văn bản điện tử được trao đổi thông qua hệ thống, đạt trên 90%. Tỷ lệ ký số và tạo lập hồ sơ công việc có ký số trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh đạt 91,2%, cấp huyện đạt 92,5%, cấp xã đạt 96%. Chuyển đổi số bước đầu đã có những đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh; tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; nâng cao chỉ số xếp hạng năng lực quản trị điều hành cấp tỉnh (năm 2021 tăng 3 hạng thứ bậc, đứng thứ 7/63 tỉnh thành).

Các đại biểu quét mã QR phần mềm tại hội nghị (Ảnh: Anh Tuấn)

Tới đây, sự khác biệt của Bắc Ninh có thể nổi bật ở khâu tuyên truyền, cụ thể là tuyên truyền mà không cần tuyên truyền, tuyên truyền bằng câu chuyện thành công, tuyên truyền bằng cách cầm tay chỉ việc và tuyên truyền qua các kênh số, mạng xã hội nhiều người sử dụng.

Ngoài ra, Bắc Ninh cần tập trung xây dựng 3 trụ cột của chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó, trọng tâm về tầm nhìn, sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về công tác chuyển đổi số, cũng như sự chung tay, tham gia của mọi người dân, cán bộ, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn tại sự kiện (Ảnh: Anh Tuấn)

Hội nghị cũng nghe Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn trình bày những vấn đề cốt lõi của Nghị quyết 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch Hành động thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TU; Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thành Phúc trình bày chuyên đề về an toàn thông tin và những giải pháp đảm bảo an toàn thông tin đối với tỉnh Bắc Ninh.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nghi thức Khai trương phần mềm phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động đã được triển khai hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh (Ảnh: Anh Tuấn)

Thông qua Hội nghị, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương sẽ có cái nhìn toàn diện và nhận thức được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, góp phần đổi mới tư duy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tính năng động, tiên phong của lãnh đạo các cấp từ huyện đến xã, các phòng, ban, ngành trong thực hiện chuyển đổi số, từ đó triển khai hiệu quả công tác này tại đơn vị mình./.

Anh Tuấn