Bổ sung trường hợp trẻ mẫu giáo được hỗ trợ tiền ăn trưa

Có hiệu lực từ ngày 01/11, Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non đã bổ sung những trường hợp trẻ mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa.

Theo đó, trẻ em độ tuổi mẫu giáo (không bao gồm trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người) sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/tháng nếu có cha, mẹ hoặc sống tại địa phương đặc biệt khó khăn, vùng ven biển, hải đảo; không có nguồn nuôi dưỡng; là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo; là con liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, con thương binh, bệnh binh; là trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

 

Ảnh minh họa


Thời gian hỗ trợ được tính theo số tháng học thực tế, tối đa 9 tháng/năm học.

Nghị định cũng nêu rõ, giáo viên mầm non hợp đồng tại các trường mầm non công lập chỉ được hưởng chế độ như viên chức đến hết 2021.

Cụ thể, khoản 3 Điều 15 Nghị định này nêu rõ, chính sách, chế độ như viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập áp dụng với giáo viên mầm non (bao gồm cả phó hiệu trưởng) đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, làm việc theo chế độ hợp đồng lao động chỉ áp dụng đến hết năm 2021.

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt

Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ban hành ngày 25/9/2020 của Chính phủ, từ ngày 15/11, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền học phí và 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập.

Thời gian hỗ trợ được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Sinh viên đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp sẽ phải bồi hoàn kinh phí. Trường hợp chuyển sang ngành đào tạo khác, bỏ học, không hoàn thành chương trình đào tạo cũng phải bồi hoàn.

Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 15/11.

Nghị định quy định cụ thể 2 căn cứ xác định vị trí việc làm và 3 căn cứ xác định số lượng người làm việc.

Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Chậm nhất sau 03 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Sửa quy định số lượng Phó Giám đốc Sở, Phó Trưởng phòng

Có hiệu lực từ ngày 25/11, Nghị định 107/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/9/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, bình quân mỗi Sở có 3 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng Sở được thành lập và tổng số Phó Giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng Sở cho phù hợp. Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi đơn vị được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.

Nghị định cũng bổ sung quy định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở. Cụ thể, phòng thuộc Sở của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng.

Giảm Phó phòng của cơ quan chuyên môn cấp huyện

Có hiệu lực từ ngày 25/11, Nghị định 108/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện).

Ảnh minhh họa


Theo đó, bình quân mỗi phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp. Trước đó, Nghị định 37/2014/NĐ-CP quy định số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 03 người.

Giáo viên, học sinh cấp 2, cấp 3 được dùng di động trong giờ

Điều lệ trường trung học cơ sở (cấp 2), trường trung học phổ thông (cấp 3) và trường phổ thông có nhiều cấp học được ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.

Theo đó, trước đây tại Điều lệ ban hành kèm Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, học sinh không được sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học và giáo viên không được sử dụng điện thoại di động khi đang dạy học trên lớp.

Thì nay, quy định về việc sử dụng điện thoại của học sinh và giáo viên đã “cởi mở” hơn:

- Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Như vậy, nếu phục vụ cho việc học và được giáo viên cho phép thì học sinh được dùng điện thoại;

- Bỏ quy định cấm giáo viên sử dụng điện thoại di động khi đang dạy học trên lớp, tức là giáo viên có thể dùng điện thoại khi đang dạy nếu cảm thấy cần thiết…

Ngoài ra, học sinh trường trung học không được thực hiện các hành vi sau: xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ; đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng; sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản than; học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Từ 01/11, không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.

Hai cách nhận tiền hỗ trợ ăn trưa của trẻ mầm non

Nội dung này được nêu tại Quyết định 2984/QĐ-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung lĩnh vực giáo dục mầm non.

Quyết định nêu rõ, 02 phương thức thực hiện việc hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo:

- Phương thức 1: Cơ sở giáo dục mầm non tổ chức nấu ăn cho trẻ giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ em;

- Phương thức 2: Chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ 02 lần trong năm học: Lần 1 chi trả đủ 04 tháng vào tháng 11 hoặc tháng 12 hàng năm; lần 2 chi trả đủ các tháng còn lại vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm.

Đặc biệt, cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ chưa nhận được kinh phí hỗ trợ ăn trưa thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.

Chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đoạt giải quốc gia, quốc tế

Nghị định 110/2020/NĐ-CP ban hành ngày 15/9/2020 quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế có hiệu lực từ ngày 01/11.

Đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế, thi kỹ năng nghề thế giới được thưởng theo mức sau: huy chương Vàng hoặc giải Nhất 55 triệu đồng; huy chương Bạc hoặc giải Nhì 35 triệu đồng; huy chương Đồng hoặc giải Ba 25 triệu đồng; giải Khuyến khích 10 triệu đồng.

Đoạt giải trong kỳ thi Olympic châu Á các môn học, kỳ thi kỹ năng nghề châu Á được thưởng theo mức sau: Huy chương Vàng 35 triệu đồng; huy chương Bạc 25 triệu đồng; huy chương Đồng 10 triệu đồng; Khuyến khích 8 triệu đồng.

Đoạt giải trong kỳ thi kỹ năng nghề Đông Nam Á được thưởng theo mức sau: huy chương Vàng 25 triệu đồng; huy chương Bạc: 10 triệu đồng; huy chương Đồng 8 triệu đồng; Khuyến khích 5 triệu đồng.

Đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức gồm: thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thi kỹ năng nghề quốc gia được thưởng với các mức: giải Nhất 4 triệu đồng; giải Nhì 2 triệu đồng; giải Ba 1 triệu đồng.

Đặc biệt: Đội, nhóm học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải được thưởng gấp 02 lần mức tiền thưởng với cá nhân.

Nếu là người dân tộc thiểu số hoặc người khuyết tật đoạt giải, mức tiền thưởng gấp 1,5 lần. Riêng trường hợp đồng thời là người dân tộc thiểu số và người khuyết tật thì được hưởng 02 lần mức thưởng.

Phạt đến 200 triệu đồng vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Nghị định 117/2020/NĐ-CP ban hành ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11.

Ảnh minh họa


Cụ thể, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về dân số là 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về bảo hiểm y tế là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo đại học từ xa

Theo Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học có hiệu lực từ ngày 25/11, có 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học gồm: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Tiêu bản mô tả, cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo; Hoạt động dạy và học; Hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học; Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; Đội ngũ nhân viên; Người học và hoạt động hỗ trợ người học; Cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu; Quản lý triển khai chương trình đào tạo; Bảo đảm và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo; Kết quả đầu ra.

Chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm

Thông tư 36/2020/TT-BGDĐT về chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm có hiệu lực từ ngày 20/11.

Theo đó, chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm, giảng viên các trường cao đẳng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định như sau:

- Thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính)

- Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết giảng lý thuyết trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy.

Đối với các nội dung giảng dạy có tính chất đặc thù, các tiết giảng trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) trên 50 phút giao hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm quy đổi cho phù hợp.

- Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 270 đến 420 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 810 đến 1.260 giờ hành chính).

Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định./.

PV