Sáng 25/3, tại huyện Tiên Du, Ủy ban xã hội của Quốc hội phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội; Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh chủ trì.
Quang cảnh Hội nghị. (Nguồn:bacninh.gov.vn).
Tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân thông tin nhanh về những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, với nhiều chính sách đi trước và cao hơn quy định của Trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm và chỉ đạo ban hành nhiều văn bản triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.009 vụ bạo lực gia đình, đối tượng gây bạo lực đa số là nam giới và nạn nhân là phụ nữ, người già, trẻ em - những đối tượng yếu thế cần pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, hầu hết những người bị bạo lực không tìm đến sự trợ giúp của chính quyền, đoàn thể và cơ quan chức năng. Việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình là thực sự cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đồng thời đảm bảo phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.
Theo chương trình, Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều; so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, tăng 16 điều; trong đó, sửa đổi, bổ sung 35 điều, quy định mới 27 điều.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng việc thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện còn nhiều khó khăn, bất cập; nội dung dự thảo Luật (sửa đổi) sẽ khắc phục được những hạn chế, lạc hậu trong tình hình hiện nay. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung và câu từ trong các điều khoản của dự thảo. Đồng thời nghiên cứu, bổ sung quy định về xử lý vi phạm của cá nhân trong cộng đồng khi không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình (thờ ơ, vô cảm, không ngăn cản khi chứng kiến sự việc; không báo tin tố giác...); xử lý người dung túng, bao che bạo lực gia đình; cân nhắc hình thức xử phạt tiền đối với người gây ra bạo lực, vì đối với vợ chồng thì đây là tài sản chung nên nếu phạt tiền thì cả người gây ra bạo lực và người bị bạo lực đều bị xử phạt; cân nhắc địa chỉ báo tin về hành vi bạo lực gia đình...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo cấp xã, ban chủ nhiệm câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình các thôn, xóm, tổ dân phố; tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho người dân về phòng, chống bạo lực gia đình; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; hàng năm tổ chức hội thảo chuyên đề ở cấp xã về phòng, chống bạo lực gia đình; ban hành văn bản quy định về tổ chức bộ máy cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình các cấp..
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, đây sẽ là cơ sở để Ủy ban Xã hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật./.