Theo Sở Xây dựng Bắc Ninh, kể từ ngày Luật Nhà ở 65/2014/QH13 (ngày 25 tháng 11 năm 2014) có hiệu lực, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, còn một số bất cập về cơ chế chính sách, cần được khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

Có thể thấy, hàng trăm nghìn công nhân tại nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang thực sự có nhu cầu về chỗ ở ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, quy định hiện hành khiến họ rất khó tiếp cận nhà ở xã hội, trong khi nhiều dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện nhưng lại vẫn bỏ trống do không có người mua.

Dự án nhà ở xã hội phục vụ Khu công nghiệp của công ty Lan Hưng (địa bàn thị xã Thuận Thành) đủ điều kiện đưa vào kinh doanh nhưng chưa thể bán do vướng mắc về điều kiện mua (Ảnh: Mai Thu)

Thời gian qua, trên địa bàn Bắc Ninh có một số dự án nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp được thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 (Luật số: 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013). Điển hình là dự án khu nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp tại thị trấn Hồ, thị xã Thuận Thành do Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng (công ty Lan Hưng) làm chủ đầu tư.

Theo Công văn 155/UBND-XDCB ngày 23/5/2019 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc chấp thuận chủ trương đầu tư có nêu rõ phương thức tiêu thụ sản phẩm: bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở chung cư cho các đối tượng theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, bán nhà ở thương mại liền kề cho mọi đối tượng có nhu cầu về nhà ở, đảm bảo đúng quy định.

Phía chủ đầu tư đã triển khai thực hiện theo đúng trình tự pháp luật quy định, đủ điều kiện được khởi công xây dựng, phê duyệt giá bán. Từ năm 2019 đến nay, đã khởi công xây dựng 02 tòa chung cư CT2, CT3 với trên 1.400 căn hộ. Mặc dù công bố rộng rãi nhưng hiện chỉ có 0,17% lượng công nhân đăng ký mua/thuê/thuê mua. Trong khi đó, các nhóm đối tượng tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9, 10 Điều 49 của Luật Nhà ở đăng ký mua/thuê/thuê mua nhà ở tại dự án lại rất lớn. Nếu vẫn giữ nguyên đối tượng được thụ hưởng chính sách là đối tượng tại Khoản 5 Điều 49 của Luật Nhà ở sẽ có thể đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản, gây lãng phí nguồn lực đầu tư và không đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Dù có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng, UBND tỉnh... bổ sung các nhóm đối tượng được mua/thuê/thuê mua nhà ở tại dự án… nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết!!!!.

Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, khái niệm “Nhà ở xã hội tại khu công nghiệp” được nêu rõ tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP (Số: 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021), sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, theo đó, “Nhà ở xã hội tại khu công nghiệp là nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu của hộ gia đình, cá nhân làm việc tại khu công nghiệp”.

Như vậy, đối tượng được thụ hưởng nhà ở công nhân đang rất vướng mắc và không đảm bảo công bằng với các đối tượng làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp bên ngoài khu công nghiệp. Do đó, cần định nghĩa lại khái niệm, đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội tại khu công nghiệp để đảm bảo phục vụ cho đông đảo các đối tượng là công nhân theo thực tế địa phương hiện nay.

Bên cạnh việc cụ thể hoá các chương trình mục tiêu; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước; phân cấp phân quyền hợp lý và hiệu quả cho UBND cấp huyện, xã trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; cân bằng lợi ích nhằm tạo động lực cho các thành phần kinh tế tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, tỉnh Bắc Ninh đề xuất các Bộ, ngành tiếp tục bổ sung quy định, hoàn thiện chính sách pháp luật về nhà ở, đất đai, quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế theo hướng có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, phát triển mô hình nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Cho phép lập Đề án thí điểm phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, Đề án thí điểm về tài chính, gây quỹ phát triển nhà ở xã hội nhằm tạo lập mô hình hoàn chỉnh, đồng bộ về đất đai – tài chính và xây dựng để giải quyết nhà ở cho các đối tượng xã hội không có khả năng mua, thuê, thuê mua theo cơ chế thị trường. Đồng thời, sửa đổi các quy định về thủ tục hành chính (trình tự thủ tục đầu tư; thẩm định giá bán; đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ, quy trình thực hiện mua bán…) theo hướng rút gọn nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước cũng như hạn chế lợi dụng chính sách.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo thực hiện các quy chuẩn chất lượng về nhà ở; bổ sung quy định về việc thuê nhà ở, đặc biệt là nhà trọ cho công nhân khu công nghiệp.

Thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến nay, Bắc Ninh đã triển khai  51 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất khoảng 156,58 ha, tổng diện tích sàn khoảng 3.931.992 m2, đáp ứng nhu cầu cho hơn 182.000 người. Trong đó số dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân là 22 với tổng diện tích đất khoảng 106,59 ha, tổng diện tích sàn khoảng 2.404.356 m2, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 107.000 người./.

PV