Để triển khai nội dung “tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh” một cách hiệu quả, thiết thực, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Giúp thế hệ trẻ trong tỉnh có niềm tin, trau dồi kiến thức, biết yêu quê hương, Tổ quốc, cố gắng phấn đấu cho lý tưởng cách mạng. Ban Tuyên giáo Thành ủy Bắc Ninh đã dày công xây dựng kế hoạch, tổ chức biên soạn tập bài giảng lịch sử của địa phương và cuối năm 2018 đã triển khai sâu rộng tới các trường Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) trong toàn thành phố.

Ngay sau kế hoạch triển khai của Ban Tuyên giáo Thành ủy Bắc Ninh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bắc Ninh đã tích cực chỉ đạo các trường Tiểu học và THCS lồng ghép phổ biến nội dung, chương trình phù hợp với từng lứa tuổi theo hướng dẫn cụ thể của 2 tập bài giảng lịch sử thành phố Bắc Ninh. Với sự sưu tầm, tra cứu, biên soạn công phu, nghiêm túc, nội dung toàn bộ của hai tập bài giảng lịch sử thành phố Bắc Ninh là những tư liệu chính xác, trung thực, gồm rất nhiều lĩnh vực, những mảnh đất, con người, địa danh trên địa bàn, cụ thể như: các địa danh - thắng cảnh văn hóa, lịch sử: Đền Cùng-Giếng Ngọc, Đền Bà chúa Kho, Thành cổ Bắc Ninh, Phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay), Văn Miếu Bắc Ninh, làng Tiến sĩ Kim Đôi… cho đến các lễ hội truyền thống, độc đáo; như: Lễ hội Lim vào 13 tháng gêng hàng năm, thường có tổ chức thi hát quan họ. Lễ hội đền Bà Chúa Kho. Lễ hội làng Tam Tảo, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, kỷ niệm ngày sinh của ông bà Phụ Quốc Đại Vương Trần Quý và Minh Phúc Hoàng Thái Hậu Phương Dung. Lễ hội Đền Đô (Đình Bảng), kỷ niệm ngày đăng quang của vua Lý Thái Tổ - 15 tháng 3 năm Canh Tuất 1010, và tưởng niệm các vị vua nhà Lý. Lễ hội Phù Đổng  ngày 9- tháng 4. Lễ hội Thập Đình (của mười xã thuộc hai huyện Quế Võ và Gia Bình) để kỷ niệm trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam tức Thái sư Lê Văn Thịnh và Doãn Công (Cao Doãn Công). Lễ hội Cao Lỗ Đại Vương ngày 10 - tháng 3. Lễ hội Đền Tam phủ xã Cao Đức, huyện Gia Bình. Lễ hội Đồng Kỵ ngày 4 - tháng Giêng. Lễ hội Chù Dâu ngày 8 - tháng 4…


Một tiết học của bậc THCS Thành phố Bắc Ninh  (Ảnh theo Báo Bắc Ninh)

Tất cả được chuyển thể bằng những câu chuyện ngắn gọn, giản dị, súc tích, mang tính nhân văn sâu sắc. Theo các thầy cô giáo hai bậc Tiểu học và THCS trực tiếp giảng dạy, khi lồng ghép nội dung trên vào chương trình vào giảng dạy, không khí cá lớp học thường diễn ra sôi nổi, sinh động, mang đậm nét văn hóa vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc. Cũn theo nhận xét của các thầy cô, tập bài giảng lịch sử thành phố Bắc Ninh có thể coi là kim chỉ nam, định hướng cho giáo viên đi sâu vào những nội dung cốt lõi về những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống địa phương. Đặc biệt là khi ứng dụng công nghệ thông tin vào truyền đạt kiến thức lịch sử, văn hóa truyền thống theo phương pháp trực quan sinh động, học sinh rất thích thú và dễ tiếp thu. Giúp các em chủ động nghiên cứu, tìm tòi, khám phá, hiểu hơn về nguồn cội, quê hương. 

Theo cô giáo Vương Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tiền An, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức trong những tiết học chính khóa, nhà trường còn tổ chức đưa học sinh đi thăm quan các điểm di tích, lịch sử. Đó là cách để mỗi em học sinh trải nghiệm thực tiễn, hiểu rõ và thêm yêu quê hương, trân trọng các giá trị truyền thống của quê hương. Cũng qua đó, giúp các em học sinh tìm hiểu, tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương, khẳng định chủ quyền dân tộc, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước cha ông, kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc.

Nguyên Đào