Một góc khu công nghiệp Yên Phong (Ảnh: Thanh Phong)


Các lĩnh vực mà Việt Nam đang thu hút nhà đầu tư quốc tế là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ. Đây đều là những lĩnh vực thế mạnh của Bắc Ninh với sự góp mặt của các thương hiệu toàn cầu như Canon, Samsung, Hanwha, hay Pepsico.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, phạm vi toàn cầu, các quốc gia có xu hướng đa dạng chuỗi cung ứng thay vì chỉ phụ thuộc đối tác, trong đó Đông Nam Á và cụ thể là Việt Nam là 1 trong những cái tên rất đáng để lựa chọn.

Thống kê sơ bộ từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh cho thấy, tính đến hết tháng 7/2020, địa phương này có 16 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 6.000 ha, trong đó, 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 2 đã được thành lập.

Riêng thành phố Bắc Ninh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 khu công nghiệp tiếp theo. Ngoài ra, cùng với 26 cụm công nghiệp với tổng diện tích 898,27 ha, Bắc Ninh đang sở hữu mặt bằng sản xuất lớn để chào đón các nhà đầu tư tầm cỡ trong nước và quốc tế.

Giới đầu tư nhận định trong vài năm trở lại đây, song hành với sự phát triển của bất động sản công nghsệp, bất động sản nhà ở tại Bắc Ninh có đà tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, nhu cầu nhà ở đối với của các chuyên gia nước ngoài, lao động trình độ cao trong nước ngày càng lớn tạo ra cơ hội cho các dự án nhà ở.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương thời gian tới với hạ tầng ngày càng phát triển, Bắc Ninh có hệ thống giao thông đồng bộ và thông suốt với nhiều trục giao thông quan trọng như quốc lộ 1A, 1B mới, quốc lộ 18, 38, đường cao tốc đi sân bay Nội Bài, đường tới cảng nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh, tuyến đường sắt quốc tế đi Trung Quốc.../.

Anh Tuấn