Nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn kiểm tra xử lý vi phạm nguồn xả thải gây ô nhiễm vào công trình thủy lợi tại phường Phong Khê ngày 27/4 (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bắc Ninh)

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, làng nghề giấy Phong Khê đã có từ hàng trăm năm nay ở xã Phong Khê, nay là phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh. Đây là một làng nghề truyền thống, được khôi phục và phát triển mạnh từ năm 1994 trở lại đây. Ngành công nghiệp giấy tại Phong Khê đã giải quyết việc làm thu nhập ổn định cho toàn bộ số lao động hiện có và khoảng 4,000 đến 5,000 lao động trong tỉnh và các tỉnh khác với mức lương ổn định từ 7 triệu đến 20 triệu đồng/ người/ tháng.

Phường Phong Khê hiện có 2 cụm công nghiệp làng nghề là Cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Phong Khê 2, có diện tích hơn 69 ha với khoảng 290 doanh nghiệp sản xuất giấy. Tại khu vực làng nghề Phong Khê có 167 cơ sở sản xuất. Ngoài ra, còn khoảng 1.000 hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn phường.

Trong những năm gần đây các cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê đã đầu tư dây chuyền máy móc vào sản xuất, tăng sản lượng để nâng cao thu nhập và đồng thời cũng gia tăng các chất ô nhiễm, xả thải trực tiếp ra các kênh, cống rãnh... do đó nước thải đã gây ô nhiễm trầm trọng các cống rãnh, kênh rạch, ao hồ, đồng ruộng xung quanh và thải ra sông Ngũ Huyện Khê, chảy vào Sông Cầu đoạn qua thành phố Bắc Ninh. Đặc biệt tính chất nước thải sản xuất giấy tái chế rất phức tạp, khối lượng nước thải lớn và khó thu gom, chế độ thải nước không ổn định do rất ít cơ sở sản xuất tại làng nghề sản xuất giấy tái chế ở Phong Khê bảo đảm được các điều kiện về môi trường, nguy cơ cháy nổ, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất.

Trước thực trạng đó, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại Phong Khê, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thống xử lý nước thải tập trung thuộc hệ thống xử lý nước thải làng nghề Phong Khê với công suất xử lý Q = 10.000 m3/ngđ. Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê được đưa vào vận hành từ năm 2017 (giai đoạn 1), tuy nhiên công suất và chất lượng nước sau xử lý chưa đảm bảo quy chuẩn hiện hành. Hiện nay Nhà máy đang được UBND thành phố Bắc Ninh cải tạo, điều chỉnh và nâng quy mô, công suất xử lý.

Song song việc tăng cường các biện pháp xử lý nước thải, chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất chuyển đổi công nghệ hiện đại, từ việc đun lò hơi sang mua hơi để sản xuất. Việc thay thế công nghệ này đã làm giảm đáng kể lượng khí thải ô nhiễm phát sinh vào môi trường.

Sớm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại Phong Khê

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn và Chủ tịch TP Bắc Ninh Nguyễn Song Hà trực tiếp đến kiểm tra tại các cơ sở sản xuất tại Phong Khê (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bắc Ninh)

 

Tại buổi kiểm tra xử lý vi phạm nguồn xả thải gây ô nhiễm vào công trình thuỷ lợi tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh diễn ra chiều 27/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã yêu cầu thành phố Bắc Ninh tập trung rà soát, chỉ đạo tháo dỡ tất cả hệ thống xả thải không đúng quy định, trái phép ra hệ thống sông Ngũ Huyện Khê. Theo đó, để từng bước xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phong Khê, thành phố Bắc Ninh tập trung lực lượng tháo dỡ tất cả các hệ thống xả thải không đúng quy định của pháp luật ra hệ thống công trình thủy lợi và các đường ống lấy nước mặt tại đập Phú Lâm (Tiên Du) xong trước ngày 30/4; đồng thời thường xuyên kiểm tra không để phát sinh, tái diễn các vi phạm; phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống cắt, tháo dỡ toàn bộ đường ống dẫn nước lấy nước mặt từ đập Phú Lâm không có giấy phép, hoàn thành trước ngày 7/5.

Bên cạnh đó, thành phố Bắc Ninh phải tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất tại Phong Khê; lập hồ sơ xử phạt, đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng không hoạt động; các cơ sở chỉ được hoạt động trở lại khi đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Công an tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm niêm phong các cơ sở sau khi có quyết định đình chỉ, nếu cơ sở cố tình vi phạm, tự ý tháo bỏ niêm phong sẽ áp dụng xử lý ở mức cao hơn.

Để việc giám sát các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đồng ý triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường trên địa bàn phường; giao Công an tỉnh thành lập Tổ công tác thường xuyên xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường; lập chuyên án xử lý nghiêm, ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường.

Ngay sau buổi kiểm tra xử lý vi phạm nguồn xả thải gây ô nhiễm vào công trình thuỷ lợi tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đã ra quyết định xử phạt 6 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy, có địa chỉ tại đường 286 Châm Khê, phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng, do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với các doanh nghiệp và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận Quyết định xử phạt, báo cáo kết quả khắc phục về UBND tỉnh.

Các doanh nghiệp, cơ sở trên đều vi phạm hoạt động sản xuất nhưng không có báo cáo đánh giá tác động về môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt qua quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra ngoài môi trường. Việc xử phạt doanh nghiệp, cơ sở vi phạm thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh nhằm ngăn chặn, tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh.

Bắc Ninh nỗ lực sớm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại Phong Khê 

 

Theo ông Nguyễn Đăng Hòa, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, chỉ sau ít giờ đăng tải Thông báo về việc xử phạt các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê trên Fanpage Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh đã tiếp cận được hơn 24.000 người, hơn 3.000 lượt tương tác, gần 100 lượt chia sẻ, điều này chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với công tác chỉ đạo xử lý vấn đề “nóng” về ô nhiễm tại phường Phong Khê. Đa phần dư luận đều đồng tình, ủng hộ các biện pháp mạnh xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê của lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh. Bên cạnh đó, dư luận cũng quan tâm và mong muốn các cấp, ngành chức năng và thành phố Bắc Ninh cần thực hiện một cách quyết liệt, triệt để theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh để sớm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại Phong Khê, góp phần cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe của nhân dân.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch thành phố Bắc Ninh Chu Thanh Hải cho biết, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, thành phố Bắc Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành liên quan xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không tuân thủ theo quy định. Ngoài những doanh nghiệp đã bị xử lý ngày 29/4, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, xử phạt nghiêm theo luật định. Với những nhà máy nào sản xuất không đảm bảo về môi trường như không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không hoạt động hoặc hoạt động nhưng không đạt hiệu quả, sẽ kiên quyết đóng cửa đến khi nào khắc phục được mới cho hoạt động trở lại. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn khác như cưỡng chế dừng sản xuất đối với các cơ sở vi phạm về môi trường bằng cách cắt điện, cắt nguồn cung cấp nước đầu vào, kiên quyết không cho sản xuất nữa. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh, để việc xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề Phong Khê, cần có sự phân cấp rõ ràng cho các cấp, các ngành liên quan tạo điều kiện cho việc thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở sản xuất, việc cấp phép về việc xử lý nước thải, khí thải theo quy chuẩn./.

Khánh Lan