Đây là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 5 do UBND tỉnh tổ chức ngày 17/5.

Dự phiên họp còn có các đồng chí: Trần Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh và một số ban ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

Báo cáo về việc khảo sát, đánh giá và triển khai nhân rộng mô hình thí điểm xây dựng lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà tại trụ sở các cơ quan công sở, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, đại diện Sở Công Thương cho biết, Bắc Ninh là một tỉnh công nghiệp hiện đại với nhiều nhà máy xí nghiệp sản xuất hàng đầu trên thế giới, nhu cầu điện năng rất lớn, diện tích mái nhà tại các KCN, CCN rất lớn nên việc áp dụng mô hình điện mặt trời mái nhà sẽ khả thi đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới nên sẽ có nhiều khó khăn trong quá trình triển khai do còn thiếu về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực chất lượng về năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, vốn đầu tư... Trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả mô hình thí điểm tại trường iểu học Liên Bão, huyện Tiên Du, tình hình thực tiễn của tỉnh, Sở đã đề xuất, kiến nghị tỉnh một số giải pháp và nội dung triển khai cụ thể giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang và lãnh đạo các ngành chúc mừng các tập thể, cá nhân được khen thưởng trong phiên họp tháng 5 (Ảnh: Đức Thắng)

Về nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh mục tiêu của Đề án nhằm thực hiện và cụ thể hoá nhiệm vụ chủ trương của Bộ chính trị, Chính phủ tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020; Quyết định 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019, đồng thời xác định tiềm năng quy mô và lộ trình phát triển điện mặt trời trên mái nhà tỉnh Bắc Ninh giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, quy hoạch các địa điểm khả thi xây dựng điện mặt trời trên mái, góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Trên cơ sở đồng ý chủ trương thí điểm mô hình năng lượng mặt trời, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương rà soát, đánh giá tiềm năng, nếu có hiệu quả sẽ tiếp tục áp dụng thí điểm diện rộng.

Trong Báo cáo về Đề án “Điều chỉnh, đặt tên đường, phố và công trình công cộng thành phố Từ Sơn, lần thứ 4”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh cho phép đổi tên 04 tuyến phố; điều chỉnh điểm đầu, điểm cuối 01 tuyến đường và 04 tuyến phố; đặt tên mới 08 tuyến đường và 158 tuyến phố, với tổng số 175 tên (gồm tên danh nhân, nhân vật lịch sử là người Bắc Ninh; danh nhân, nhân vật lịch sử là người ngoài tỉnh Bắc Ninh; tên địa danh địa phương; phong trào tiêu biểu).

Theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất 9 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhằm xây dựng và phát triển toàn diện con người Bắc Ninh với những đặc trưng chung và riêng, có nhân cách cao đẹp, trí tuệ, tinh thần tự lực tự cường và khát vọng vươn lên; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc, phù hợp với xu thế thời đại. Phấn đấu đến năm 2030, yếu tố văn hóa và con người Bắc Ninh đạt trình độ tiên tiến trong nước và khu vực.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chủ trương Đề án đặt tên đường, tên phố và công trình công cộng thành phố Từ Sơn; giao sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng tư vấn tỉnh nghiên cứu lựa chọn tên danh nhân, lịch sử gần gũi, dễ nhớ để đặt tên cho các tên đường, tên phố.

Đối với Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hoàn chỉnh Nghị quyết, xây dựng kèm theo Kế hoạch, Đề án, nhiệm vụ tài chính, đồng thời xác định lộ trình cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế.

Các đại biểu đã nhất trí thông qua Tờ trình của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nâng mức quà tặng bằng hiện vật hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh Liệt sĩ theo Nghị quyết 153/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đối với người có công với cách mạng; hộ nghèo và một số đối tượng khác có hoàn cảnh khó khăn được lãnh đạo tỉnh đi thăm trực tiếp; người cao tuổi 90 tuổi, 95 tuổi và từ đủ 100 tuổi từ mức 300.000 đồng/suất lên 500.000 đồng/suất.

Phiên họp cũng thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung: Quy định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; Báo cáo giải ngân đầu tư công tháng 5/2022; Sửa đổi, bổ sung Quyết định 96/QĐ-UBND ngày 08/11/2012 của UBND tỉnh về ban hành tiêu chuẩn công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở, ngành, Hội cấp tỉnh và UBND cấp huyện; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Tờ trình đề nghị công nhận đô thị Lim mở rộng (đô thị Tiên Du) đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Ngoài ra, người đứng đầu UBND tỉnh cũng đề nghị rà soát tổng thể các tồn tại, hạn chế trong các khu công nghiệp như đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, ưu đãi đầu tư, quy hoạch, xây dựng, môi trường..., Tập trung hoàn thiện thủ tục và đẩy nhanh các dự án cải tạo, mở rộng cầu Ngà, cầu Hồ, nhằm giảm ùn tắc giao thông; Tăng cường tuần tra xử lý nghiêm các trường hợp đua xe lạng lách, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu.

Triển khai các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; hoàn thành các nhiệm vụ cuối năm học và chuẩn bị tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT an toàn, hiệu quả; Tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ; Phối hợp chuẩn bị tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh; duy trì tốt tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo.../.

Anh Tuấn