Nét nổi bật của hoạt động khuyến công trong những năm qua là xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; tư vấn khoa học công nghệ, hỗ trợ các tổ chức và cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT); đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động ở địa phương… Hoạt động khuyến công đã và đang góp phần tích cực trong việc tạo lực đẩy cho doanh nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN và đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.
Giai đoạn năm 2014-2018, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan trong tỉnh tổ chức 58 lớp đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho 1.620 lao động, 19 lớp tập huấn cho 760 người về khởi sự và nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý, điều hành tại các cơ sở CNNT; Xây dựng 7 mô hình trình diễn kỹ thuật. Hỗ trợ 80 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; Tổ chức bình chọn 50 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 9 sản phẩm được bình chọn cấp khu vực, 1 sản phẩm đạt cấp quốc gia; Tham gia 15 kỳ hội chợ hàng CNNT tiêu biểu… Phối hợp với Tập đoàn Samsung tư vấn hỗ trợ cải tiến công nghệ cho 7 doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các sản phẩm phụ trợ tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu. Tổ chức cho cán bộ Trung tâm và một số cơ sở sản xuất CNNT khảo sát, học tập kinh nghiệm thực hiện các đề án khuyến công tại một số tỉnh phía Bắc… tạo động lực, đòn bẩy cho các doanh nghiệp công nghiệp địa phương phát triển.
Lãnh đạo Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp thăm mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất giấy tại Công ty Cổ phần Châu Thái Sơn ở KCN Quế Võ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chương trình khuyến công cũng bộc lộ một số khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động khuyến công. Đáng chú ý là một số ngành nghề CNNT phát triển chưa bền vững; Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn lực hạn chế. Nhiều cơ sở sản xuất phát triển một cách tự phát, không có định hướng, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh thấp. Ít cơ sở sản xuất đăng ký nhu cầu hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất… Một số nội dung do chi phí hỗ trợ thấp không đủ để triển khai thực hiện, quy định về các thủ tục thanh quyết toán còn phức tạp, mất nhiều thời gian, chưa thu hút cơ sở sản xuất CNNT tham gia chương trình. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động khuyến công ban hành chưa kịp thời, thiếu chi tiết dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai...
Để Chương trình khuyến công phát huy hiệu quả, khắc phục được những tồn tại, khó khăn, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động khuyến công, coi đó là một trong các giải pháp trọng tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Quan tâm bố trí nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác khuyến công từ cấp huyện tới cấp xã theo đúng quy định và đáp ứng yêu cầu phát triển. Thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh trong lĩnh vực khuyến công. Chủ động đề xuất điều chỉnh khi xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm phù hợp với thực tế để nâng cao hiệu quả của Chương trình. Nâng cao chất lượng trong việc lựa chọn các doanh nghiệp, cơ sở CNNT được thụ hưởng các chương trình khuyến công. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Đề án khuyến công bảo đảm nguồn kinh phí khuyến công được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và quy định của pháp luật.