Trong thời kỳ lịch sử biến động này, bắt đầu từ năm 1058 Thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên, mở đầu thời kỳ xâm lược Việt Nam. Trong lúc đó, tình hình trong nước vô cùng rối ren. Tại phủ Lạng Giang, bọn thổ phỉ Ngô Côn và Lý Dương Tài của Nhà Thanh kéo đến cướp phá dân lành, giặc giã nổi lên khắp nơi…


Năm 1862, Vua Tự Đức xuống chiếu phái quan Giám sát Ngự sử Nguyễn Huy Tân đi dẹp loạn phỉ ở phủ Lạng Giang. Vâng mệnh Vua, cụ Nguyễn Huy Tân kéo quân đi dẹp loạn. Hai bên dàn quân đánh nhau ác liệt tại thành Xương Gian. Bọn thổ phỉ vốn thiện chiến và mua sắm nhiều loại vũ khí, có cả súng ống tối tân, nên đã ngoan cố ra sức chống đỡ, gây cho quân triều đình nhiều tổn thất.

Không quản gian nguy nơi sa trường, Giám sát Ngự sử Nguyễn Huy Tân luôn xả thân đi đầu trước hòn tên mũi đạn, nêu gương cho quân lính xông lên giết giặc. Không may cụ đã bị trọng thương và anh dũng hy sinh.

Một vị quan võ thời nhà Nguyễn. (Ảnh tư liệu)

Sau trận chiến ác liệt, khi màn đêm buông xuống, một ngư dân vùng Xuân Thượng phát hiện một xác người vận quan phục triều đình dạt vào bờ sông. Dân làng bảo nhau đưa xác quan vào bãi, đắp cho manh chiếu và đi báo hương lý trong làng. Sáng hôm sau mọi người kéo đến bờ sông tìm thì kỳ lạ xiết bao, thi thể cụ đã được mối đùn kín thành một ngôi mộ vừa to vừa đẹp. Cho rằng đây hẳn là điềm lành trời ban xuống, quan lính và người dân địa phương đã làm lễ an táng, lập đền thờ và coi đây là một vị phúc thần của làng.

Tháng 2 năm 1880, tức 18 năm sau khi Nguyễn Huy Tân mất, Vua Tự Đức đã xuốn chiếu công nhận công lao và vinh danh cụ, đưa bài vị cụ vào thờ tại dãy bên đông trong Trung nghĩa Đền ở kinh thành Huế, cùng với 150 bài vị các nghĩa sỹ khác, đồng thời truy tặng cụ tước hiệu Phụng nghị Đại phu, Hàn lâm Viện thị Độc, đặt tên thụy là Đoan Trực, cáo mệnh đi khắp cả nước và “Ban cho tấm áo lụa hồng và nắm đất Dương tuyền, để sáng mãi nơi yên nghỉ, chính sử còn lưu truyền rạng rỡ mãi mãi cho sông núi Sương Giang” (Theo Đại Nam Thực lục, tập 8). Cho đến tận hôm nay người dân trong vùng còn kể cho nhau nghe về sự linh ứng của cụ.

Đền thờ cụ Nguyễn Huy Tân an tọa bên tả ngạn dòng sông Thương trong mát, tại thôn Xuân Thượng, xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Thời kỳ đầu đền được dựng bằng vật liệu tranh tre, sau đó được người dân xây dựng kiên cố dần. Năm 1994, gia tộc Nguyễn Huy và bà con nhân dân địa phươn góp tiền của phục dựng khang trang. Đền được xây dựng theo hình chữ “Công”, mặt đền hướng về phía thành Xương Giang xưa, gồm ba gian ngoại và hậu cung, nơi đặt ngai thờ và di vật. Đã thành thông lệ, cứ hai năm một lần (năm chẵn), vào ngày mùng mười tháng hai âm lịch, dân làng Xuân Thượng lại mở lễ hội náo nhiệt, đông vui để tưởng nhớ đến vị quan thanh liêm chính trực, đã hy sinh vì dân vì nước.

Vừa qua, ngày 15/3/2019, Lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho ngôi đền đã được long trọng tổ chức trong khuôn viên của Đền thờ cụ Nguyễn Huy Tân.

Đào Nguyên