Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Trung Hiền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Bắc Ninh sớm tiếp cận chủ trương của Chính phủ, chủ động ban hành Nghị quyết 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với ba trụ cột chính là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.
Để cụ thể hóa Nghị quyết vào cuộc sống, tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều chương trình, giải pháp phù hợp với thực tế của từng ngành, lĩnh vực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm. Chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về chuyển đổi số. Mặt khác, kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi cấp tỉnh, cấp huyện.
Lãnh đạo tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông cùng đại biểu thực hiện nghi thức khai trương chức năng ký số từ xa và phát hành biên lai điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh (Ảnh: Minh Phương)
Các huyện, thị xã, thành phố thành lập 733 Tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% cấp thôn với hơn 3.000 thành viên. Tổ công nghệ số cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số tới từng người dân. Đây được xem là một trong những cách làm hiệu quả nhất để thay đổi nhận thức về chuyển đổi số của người dân.
Với vai trò là chủ công dẫn dắt chuyển đổi số, những năm qua Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, quy định và các nội dung chiến lược liên quan. Chỉ riêng năm 2023, Sở tham mưu ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024 - 2030; Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng cung cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến; ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố… Những văn bản được ban hành đã và đang tạo được khung cơ sở pháp lý, mở đường, định hướng cho quá trình triển khai, thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và quyết tâm nỗ lực của các cấp, ngành, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu quan trọng chuyển đổi số đạt và vượt kế hoạch đề ra tại Nghị quyết 52 NQ/TU.
Có thể nêu ra một số kết quả nổi bật như: Chỉ số xếp hạng Chuyển đổi số (DTI) của tỉnh duy trì ở thứ hạng cao, năm 2022 xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố (trong đó, Chính quyền số thứ 10; Kinh tế số thứ 5; Xã hội số thứ 7); Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông, Bắc Ninh xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố; Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP Bắc Ninh đạt 56,83%, dẫn đầu cả nước; Chỉ số an toàn thông tin mạng trong nhóm dẫn đầu cả nước: Năm 2022 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang được triển khai đến các thôn xóm, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các hộ gia đình; Dịch vụ mạng di động 3G, 4G phủ sóng 100% các thôn, xóm với chất lượng tốt.
Các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh được sử dụng rộng rãi tại các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Năm 2023, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc và ký số văn bản điện tử trung bình cấp tỉnh đạt 96,25%; cấp huyện đạt 96,72%, cấp xã đạt 98,3% (vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết 17/NQ-CP đề ra giai đoạn 2021 - 2025); Tỷ lệ tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị trên thiết bị di động của toàn tỉnh đạt 92,3%.
Đã chuẩn hóa gần 226.000 thuê bao thuộc nhiệm vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao; cấu hình hơn 2.000 tài khoản được Công an tỉnh cấp quyền khai thác trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; cấp phát hơn 14.000 chữ ký số công cộng, cấp chữ ký số cho hơn 1.400 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Về triển khai nộp thuế điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay toàn tỉnh có trên 98% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, chứng từ nộp thuế điện tử; 100% trường đại học, cao đẳng và bệnh viện cấp tỉnh thanh toán học phí, viện phí qua ngân hàng; 100% các chi nhánh trực thuộc Công ty Điện lực Bắc Ninh, đơn vị cấp nước trong tỉnh chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng; tỷ lệ chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội một lần thực hiện qua ngân hàng về số lượt người và giá trị chi trả đạt trên 75%.
Việc mở tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã và đang được triển khai tích cực, trong đó một số địa phương đạt kết quả cao như: thị xã Thuận Thành 72,01%, thành phố Bắc Ninh 69,24%...
Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh khẳng định, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trên địa bàn; cùng các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 52 NQ/TU, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững./.