Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 01/6/2023 về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng cung cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; đặt ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhằm đưa Chỉ thị vào cuộc sống, các cơ quan, đơn vị, địa phương vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công dân về lợi ích của DVCTT; công khai đầy đủ các danh mục TTHC, DVCTT trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; cập nhật kịp thời thông tin TTHC, DVCTT ở cả 3 cấp thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; tích hợp 100% DVCTT đủ điều kiện lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Bắc Ninh hướng dẫn quy trình giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công thành phố Bắc Ninh.
Là một trong những đơn vị chủ lực trong việc nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và chất lượng giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công các cấp và bộ phận Một cửa cấp xã, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, đường truyền, kết nối liên thông, đồng bộ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành qua mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Đồng thời, triển khai các nền tảng, công cụ dùng chung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết TTHC; vận hành thí điểm hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị những vướng mắc, bất cập trong giải quyết TTHC; hàng tháng cung cấp báo cáo số liệu cho các sở, ngành, địa phương để rà soát, có biện pháp cải thiện.
Đơn vị cũng phối hợp rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình TTHC, đề xuất đơn giải hóa quy trình thực hiện, mẫu đơn, tờ khai điện tử, nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT, tỷ lệ hồ sơ thực hiện trên môi trường điện tử; ký kết thỏa thuận hợp tác với Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp phát chữ ký số miễn phí (đối với giao dịch DVCTT) cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã cấp được hơn 14.000 chữ ký số công cộng.
Trung tâm Hành chính công các cấp và bộ phận một cửa cấp xã giám sát chặt chẽ việc tiếp nhận giải quyết TTHC, hồ sơ TTHC để chậm, muộn đều báo cáo giải trình lý do với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Đoàn viên thanh niên Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ người dân huyện Lương Tài đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân tăng cường sử dụng DVCTT, Trung tâm Hành chính công tỉnh thiết lập các kênh truyền thông trên mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT. Đồng thời, đảm bảo thường xuyên, liên tục tiếp nhận và xử lý các cuộc gọi, tin nhắn hỗ trợ, hỏi đáp, tư vấn hướng dẫn, phản ánh, kiến nghị về các nội dung liên quan đến giải quyết TTHC cũng như hỗ trợ người dân tiếp cận DVCTT. Nhờ vậy, người dân đã từng bước nâng cao nhận thức, hình thành thói quen sử dụng DVCTT.
Từ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, quyết tâm nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, việc khai thác, sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh đã có những cải thiện rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra tại Chỉ thị 10.
Theo thống kê trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, tính đến đầu tháng 2/2024, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt trung bình 90%, tăng 62% so với trước khi có Chỉ thị 10 (trong đó cấp tỉnh đạt 79%, cấp huyện đạt 95%). Cấp tỉnh, 13/17 đơn vị có tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến/tổng tiếp nhận đạt, trên 85%. Cấp huyện, 7/8 đơn vị có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến/tổng tiếp nhận, vượt chỉ tiêu.
Tỷ lệ số hoá thủ tục, thành phần hồ sơ trên toàn tỉnh đạt trung bình 97%, tăng 84% so với trước khi có Chỉ thị (trong đó, cấp tỉnh đạt 99%, tăng 69%, cấp huyện đạt 96%, tăng 90%).
Về chỉ tiêu thanh toán trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên tổng số hồ sơ có phát sinh nghĩa vụ tài chính toàn tỉnh đạt trung bình 42%, tăng 37% so với trước khi có Chỉ thị (trong đó, cấp tỉnh 48%, cấp huyện 27%). Đến nay có 14 đơn vị phát hành biên lai điện tử. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, cùng với việc triển khai cung cấp dịch vụ thu phí và lệ phí không dùng tiền mặt theo hướng đa dạng, tiện ích, đã góp phần tăng tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến.
Có thể khẳng định Chỉ thị 10/CT-UBND đã thực sự tạo ra những bứt phá đáng ghi nhận. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương có tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cao. Kết quả trên đã khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt của tỉnh và cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành. Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra.
Do đó, để khắc phục tình trạng này, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: ứng dụng VneID; chữ ký số công cộng…; thường xuyên rà soát, đưa kết quả thực hiện các nội dung tại Chỉ thị 10 của các cơ quan, đơn vị, địa phương vào tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính hàng năm; kiên quyết không xem xét khen thưởng thành tích cao đối với các đơn vị không đạt tiêu chí đề ra./.