Dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, hầu hết các nền kinh tế đang đối diện với thách thức lớn khác là sự bùng nổ của giá cả hàng hóa và năng lượng, nhưng năm nay, thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vẫn diễn ra sôi động, hàng hóa đa dạng, phong phú, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng có chiều hướng tăng lên như: xăng, dầu, khí đốt, phân bón, lương thực, thực phẩm, vàng... cùng với đó là lãi suất ngân hàng giảm mạnh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của Nhân dân.
Tháng 12/2023, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh) phối hợp với các đơn vị liên quan tiêu hủy hơn 15.000 sản phẩm hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá trên 4 tỷ đồng (Ảnh: Thanh Long)
Tình trạng vận chuyển, kinh doanh, bày bán hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về giá, nhãn hàng hóa, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, hàng hoá vi phạm về an toàn thực phẩm... vẫn diễn ra; phương thức, thủ đoạn của một số đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngày càng tinh vi.
Tuy tình hình xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động quản lý hải quan trên địa bàn đang diễn ra bình thường, nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp thiếu hiểu biết về thủ tục hải quan hoặc lần đầu mở tờ khai, lợi dụng các kẽ hở chính sách quản lý để trốn thuế.
Các vi phạm về thủ tục hải quan như: Khai và nộp hồ sơ hải quan không đúng thời hạn quy định, vi phạm quy định về lưu mẫu, lưu hồ sơ, chứng từ; chậm nộp hồ sơ thanh khoản, vi phạm thủ tục về thuế... hoạt động mua, bán hàng hóa theo phương thức truyền thống giảm đáng kể do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hoạt động thương mại điện tử, mua, bán trực tuyến, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính... phát triển.
Đáng chú ý, một số đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi gian lận thương mại, mua bán hàng giả, hàng cấm, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm... ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính, khiến ngân sách thất thu cũng như gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Bắc Ninh nhằm nâng cao hiệu quả công tác, quá đó góp phần ổn định thị trường, tăng thu ngân sách, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các thương nhân kinh doanh chân chính, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Ninh, từ ngày 16/12/2023 đến ngày 15/01/2024, đã phát hiện 163 vụ vi phạm, trong đó buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu 34 vụ; hàng giả 15 vụ; gian lận thương mại 114 vụ (trong đó, vi phạm về thuế 40 vụ; hải quan 39 vụ).
Tổng số tiền thu và nộp ngân sách Nhà nước là 14.395.200.000 đồng (tiền phạt vi phạm hành chính là 5.362.320.000 đồng, tiền phạt bổ sung, truy thu thuế là 8.500.000.000 đồng, tiền bán hàng tịch thu là 532.880.000 đồng); trị giá hàng tịch thu 6.524.070.000 đồng; trị giá hàng tịch thu tiêu hủy và buộc tiêu hủy là 5.527.767.000 đồng.
Mới đây nhất, tháng 01/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Đ.T.T, phạt vi phạm hành chính 102,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu trị giá 871,2 triệu đồng./.