Theo ông Đào Quang Khải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, đến nay tỉnh đã thu hút gần 1.600 doanh nghiệp, dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt 19,8 tỷ USD. Trong đó, các dự án đầu tư đến từ Hàn Quốc chiếm trên 60% và riêng Samsung là gần 9,3 tỷ USD, chiếm gần tổng 50% tổng số vốn đăng ký.

Với sự góp mặt của Samsung, quy mô công nghiệp của Bắc Ninh đứng thứ nhất cả nước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đứng thứ hai. 

"Samsung đang là đối tác hàng đầu và rất quan trọng của Bắc Ninh", Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đánh giá. (Ảnh: Đại An)

Mặc dù thời gian qua các Bộ ngành đã triển khai nhiều hoạt động để phát triển công nghiệp phụ trợ, nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước nói chung và tại tỉnh Bắc Ninh nói riêng chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Do vậy, việc ký kết hợp tác ba bên này sẽ hỗ trợ hiệu quả trong việc kết nối, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng cung ứng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.

Ông Choi Joo Ho, TGĐ tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, sau khi đầu tư chính thức vào Việt Nam năm 2008, Samsung Việt Nam đã và đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thông qua nhiều hoạt động.

Từ năm 2015, Samsung đã cử nhiều chuyên gia từ công ty mẹ sang tư vấn nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện chương trình đào tạo 207 chuyên gia Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và nâng cao chất lượng.

Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên (Ảnh: Đại An)

Trong năm 2020, Samsung đang phối hợp với Bộ Công Thương triển khai chương trình đào tạo 200 chuyên gia khuôn mẫu ưu tú, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực trong lĩnh vực khuôn - gốc rễ của ngành công nghiệp chế tạo.

"Samsung cam kết buổi lễ hôm nay sẽ là tiền đề để Samsung chia sẻ những kinh nghiệm dày dặn của mình cho các doanh nghiệp phụ trợ tại Bắc Ninh, hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, vươn tầm quốc tế", ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.

Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh Bắc Ninh trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh.

"Từ một tỉnh có quy mô kinh tế còn nhỏ trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nhưng chỉ sau 5-6 năm, Bắc Ninh đã trở thành một trong số ít địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Đặc biệt, giá trị công nghiệp đã làm cho quy mô kinh kinh tế của Bắc Ninh có sự gia tăng vượt bậc trong thời gian qua", Phó Thủ tướng nhấn mạnh

Lễ ký thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung ứng tiềm năng tại Việt Nam (Ảnh: Đại An)

Hiện cả nước có gần 3.000 doanh nghiệp phụ trợ, với trên nửa triệu lao động ở các ngành nghề như ô tô, điện tử, dệt may, da giầy... Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất là quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, giá trị sản xuất chưa cao và nhiều sản phẩm thiếu sức cạnh tranh do hạn chế về nguồn vốn, năng lực quản trị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm gian hàng của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ. (Ảnh: Đại An)

Theo Bộ Công Thương, sau tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh là địa phương thứ hai chủ động phối hợp cùng Samsung Việt Nam và Bộ triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh còn thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kết nối, nhằm tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng, cũng như tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Thông qua hiệu quả hoạt động của chương trình, lãnh đạo Bộ kỳ vọng các cơ quan liên quan sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngành chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

PV