Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó C08, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các địa phương, tuy nhiên, việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ chưa rõ ràng, rành mạch dẫn đến chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện.

“Do vậy, trong dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã xác định nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một nội dung của bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội… là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính”, ông Bình cho biết.

Ảnh minh họa


Đối với công tác tuần tra, xử lý vi phạm trên đường, thay vì hai lực lượng gồm cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông được phép dừng xe kiểm tra như hiện nay, Luật mới chỉ quy định một lực lượng là cảnh sát giao thông.

Hiện nay, tại khoản 2 và 3 Điều 4 Thông tư 08/2010/TT-BGTVT, Thanh tra giao thông được phép dừng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ đang lưu thông để kiểm tra hành chính, bao gồm ô tô, máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo, mô tô hai bánh, mô tô ba bánh; xe máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự, xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự).

Nhằm mang lại hiệu quả tích cực trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông trên đường khi CSGT là lực lượng chính, C08 sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Công an thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc áp dụng thang điểm cho giấy phép lái xe và trừ dần khi tài xế vi phạm thay vì tạm giữ nhiều hiện nay. Hiện công tác xử phạt vi phạm giao thông đang áp dụng quá nhiều hành vi vi phạm, riêng Nghị định 100/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có tới 2.803 hành vi xử phạt, trong đó, hành vi vi phạm dẫn đến tước giấy phép lái xe tạm thời là 985 hành vi, tương ứng 33%.

“Việc tước giấy phép lái xe nhiều là không cần thiết, vì sau đó khi nhận lại tài xế vẫn xem như chưa vi phạm gì. Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ việc này theo hướng không cần giữ giấy phép lái xe nhưng tài xế cứ vi phạm là bị trừ điểm, bị trừ nhiều người vi phạm sẽ bị từ chối thi lại hoặc thu hồi giấy phép lái vĩnh viễn”, Đại tá Bình lưu ý.

Liên quan đến đấu giá biển số xe, theo Cục phó C08, quy định về đấu giá biển số xe được luật hóa là đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thực của xã hội. Tuy nhiên, Bộ Công an đã sửa đổi một số nội dung, cụ thể, quy định chỉ cấm mua, bán trái phép biển số xe còn trường hợp mua biển số thông qua đấu giá là hợp pháp. Ngoài ra, dự thảo luật đã quy định cấp biển số thông qua đấu giá là một trong các hình thức cấp biển số xe, biển số sau đấu giá đảm bảo đầy đủ các quyền về tài sản gồm sử dụng, chiếm hữu, và định đoạt.

Về phương án đấu giá biển số xe khi triển khai đến các địa phương, Bộ Công an sẽ giao một đơn vị độc lập đảm nhiệm, và cảnh sát giao thông chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát./.

PV