Tỉnh Bắc Ninh đã và đang phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề với hàng nghìn cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy và có nguy hiểm về cháy, nổ.

Bám sát thực tế đó, Bắc Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị hướng dẫn, chỉ đạo, vận dụng tư tưởng, quan điểm “lấy dân làm gốc” và chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Nhiều khu dân cư, chợ có nguy cơ cháy cao đã tổ chức họp dân, hộ kinh doanh về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, tự tháo dỡ vật cản tạo khoảng cách chống cháy lan, đóng góp kinh phí để mua sắm phương tiện và củng cố các điều kiện phòng cháy, chữa cháy.

Đặc biệt, phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy” đã được phát động mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ được thành lập từ tỉnh đến cấp xã. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy được đẩy mạnh toàn diện, thường xuyên, hiệu quả. Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy, Bắc Ninh đã tập trung thành lập và duy trì, mở rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng.

Được biết đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được 396 mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và 585 điểm chữa cháy công cộng.Trong đó, nhiều nhất là thành phố Bắc Ninh có 104 tổ, thị xã Thuận Thành 68 tổ, thành phố Từ Sơn 46 tổ. Số Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy được tập huấn phương án chữa cháy là 260 tổ (đạt 65,6%).

Tập huấn sử dụng  bình chữa cháy tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Tiến Dũng.

Thực tế tại các địa phương ở Bắc Ninh cho thấy, mô hình Tổ liên gia an toàn phòng chống cháy nổ và điểm chữa cháy công cộng được triển khai đi vào hoạt động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các hộ dân về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, phát huy vai trò 4 tại chỗ, thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy ngay từ cơ sở, từ mỗi khu dân cư.

Ông Trần Đức Thành ở phường Vệ An, Thành phố Bắc Ninh chia sẻ: “Trong bối cảnh các vụ cháy nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi, với công tác tuyên truyền của hệ thống chính trị, người dân trong phương đều có ý thức cao về phòng cháy, chữa cháy. Mô hình Tổ liên gia an toàn phòng chống cháy nổ và điểm chữa cháy công cộng được duy trì thường xuyên cũng giúp mọi người nâng cao ý thức, tích cực thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy”.

Cùng với đó, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện đã có 3,5 nghìn gia đình mở lối thoát nạn thứ 2 và trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ, có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn; các lực lượng chức năng phối hợp tổ chức tập huấn an toàn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cho hơn 326,554 lượt người.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được “thế trận”phòng cháy, chữa cháy, trong đó tổ chức bố trí lực lượng rộng khắp và theo từng đơn vị tuyến, địa bàn trọng điểm. Nhờ vậy, đã phát hiện và khắc phục kịp thời nhiều tồn tại, thiếu sót có nguy cơ gây cháy ở các cơ sở sản xuất và khu dân cư. Lực lượng dân phòng và phòng cháy, chữa cháy cơ sở phối hợp với nhân dân phát hiện và dập tắt nhiều vụ cháy, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Được biết, để công tác phòng cháy, chữa cháy tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị triển khai Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 20/9/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, chính quyền phải phát huy tốt vai trò trong công tác chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả để xem xét trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Thời gian từ nay đến cuối năm, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy, tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với chung cư, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, quản lý và hướng dẫn cơ sở, người dân đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trong sử dụng điện; việc quản lý các cơ sở thuộc loại hình nhà ở nhiều căn hộ, nhà trọ, phòng trọ, đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quảphòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh…

Có thể khẳng định, với việc tập trung đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh, Bắc Ninh đã phát huy hiệu quả “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và sức mạnh của hệ thống chính trị cùng đông đảo nhân  dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, tạo môi trường ổn định, an toàn để phát triển kinh tế, xã hội bền vững, lâu dài./. 

TL