(ĐCSVN) - Ngày 3/12, tại Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật huyện Thuận Thành, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Chương trình thu hút đông đảo người khuyết tật, phụ huynh của các em học sinh khuyết tật đang học tập tại Trung tâm.
Quang cảnh tại Hội nghị truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý cho
người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Ảnh: QC
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh Đoàn Thị Hồng Nhung khẳng định, trợ giúp pháp lý là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một lĩnh vực hoạt động mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc, đây không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù trong xã hội mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Theo bà Đoàn Thị Hồng Nhung, hội nghị lần này nhằm triển khai hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền của người khuyết tật được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý trong đó có tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, đảm bảo 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có yêu cầu.
Tại hội nghị, người khuyết tật và phụ huynh của các em học sinh khuyết tật tại Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật huyện Thuận Thành đã được cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Ninh truyền đạt những nội dung liên quan đến những quy định pháp luật về quyền của người khuyết tật; một số điểm mới của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017; các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền trẻ em; quyền dạy nghề và tạo việc làm; quyền được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội...
Ông Nguyễn Việt Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Ninh cho biết, một trong những điểm mới trong Luật trợ giúp pháp lý 2017, đó là việc mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý. Theo đó, đối tượng trợ giúp pháp lý được được mở rộng so với Luật năm 2006 (từ 7 nhóm lên 14 nhóm). Cụ thể, các nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý theo Luật (sửa đổi) gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em (theo Luật trẻ em 2016); người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và người nhiễm HIV.
Theo ông Nguyễn Việt Khoa, theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí với các hình thức như: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng. Khi có yêu cầu cần trợ giúp, người khuyết tật trong tỉnh có thể liên hệ đến địa chỉ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Ninh (địa chỉ số 8, đường Phù Đổng Thiên Vương, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh) để được hướng dẫn trình tự, thủ tục làm hồ sơ đề nghị trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng 30.000 người khuyết tật, phần lớn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hàng nghìn trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn../.