Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh), Tháng hành động sẽ tập trung vào chủ đề dự phòng sớm và chủ động cho người dân như mô hình cung cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút (ARV) như dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); dự phòng sau phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PEP); không phát hiện bằng không lây truyền (K=K), tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng.

Uống thuốc dự phòng PrEP đều đặn có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV

Đồng thời, chú trọng tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV để người có hành vi nguy cơ thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh cũng như các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế.

Cùng với đó, phương thức truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội như Fanpage, Facebook, Zalo...hay các báo điện tử và trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị cũng được khuyến khích, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng, dung lượng hay vị trí đăng về nội dung này. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông qua các chương trình giải trí, các phóng sự, chương trình quảng cáo hay giao lưu, tọa đàm với người nổi tiếng về HIV/AIDS để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp của Tháng hành động.

Ban Chỉ đạo 138 tỉnh cũng khuyến khích truyền thông trực tiếp với cá nhân, nhóm hay gia đình người nhiễm, người có nguy cơ cao; tư vấn tại cơ sở y tế; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS... Ngoài ra, có thể tổ chức các cuộc thi tìm viết hoặc trực tuyến, xây dựng các thông điệp phòng, chống HIV/AIDS.

Tháng hành động nhằm huy động sự tham gia của các cấp lãnh đạo, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS thực hiện các mục tiêu 90-90-90 (90% người có HIV biết được tình trạng của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh) và các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Theo Sở Y tế Bắc Ninh, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động bề nổi, quy mô có thể không được triển khai. Gánh nặng mà HIV/AIDS để lại đã được vơi đi khá nhiều so với trước đây bởi những thành tựu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, để có thể chấm dứt được đại dịch AIDS rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp, ngành trong cơ chế, chính sách và hơn hết là bản thân người nhiễm HIV để điều trị bệnh cũng như hòa nhập cộng đồng, phòng chống việc lây lan bệnh ra cộng đồng./.

PV