Một số đại biểu nhận định, sự chuyển hướng quyết đoán và kịp thời của Chính phủ đã giúp bước đầu kiểm soát dịch bệnh và từng bước mở cửa phục hồi nền kinh tế. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị giữ vai trò quyết định nhưng công đầu trước hết vẫn là của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đánh giá cao kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị... tiến tới kiểm soát dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân phát biểu tham luận.
(Nguồn: bacninh.gov.vn).
Phát biểu trong phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân nhất trí với 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp.
Đại biểu Trần Thị Vân đề nghị, bên cạnh các chính sách tài khoá thì Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục, vừa khích lệ, vừa bảo vệ và tạo điều kiện mọi mặt cho doanh nghiệp phục hồi. Cùng với đó cần có chính sách ổn định thị trường, tập trung vào mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực Châu Phi, Châu Mỹ La tinh, Trung Đông và Ấn Độ, giảm bớt sự phụ thuộc, hạn chế được rủi ro trước những biến động thị trường cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới.
Đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp vực dậy và trở thành động lực cho phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Như So, ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị cần khẩn trương, quyết liệt giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành, đồng thời nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, tạo cú hích giúp doanh nghiệp tận dụng quãng thời gian còn lại của năm 2021 để tăng tốc hoàn thành kế hoạch năm.
Chính phủ cần xác định nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ doanh nghiệp là trung tâm trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; lấy tiêu chí nâng cao năng suất lao động làm then chốt quyết định đến nội lực của doanh nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ rào cản, định kiến, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân./.