Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo và đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh đồng chủ trì Hội thảo (Ảnh: PV)

 

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan của Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Hồng; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực  HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh; các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh, đồng bằng sông Hồng là vùng đặc biệt quan trọng của cả nước. Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 54 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 13 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm tạo điều kiện để vùng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, có 7/11 địa phương tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương; quy mô kinh tế đứng thứ 2 trong 6 vùng của cả nước, nhiều địa phương đã nỗ lực vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước, trong đó có tỉnh Bắc Ninh. Hội thảo là diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở giúp BCĐ tổng kết báo cáo, trình Bộ Chính trị tiếp tục có những chỉ đạo, định hướng phát triển vùng trong những năm tiếp theo.

Tham luận tại Hội thảo của các đại biểu tập trung làm rõ đặc điểm, vai trò của vùng đồng bằng sông Hồng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; những khó khăn, vướng mắc và mục tiêu, giải pháp phát triển công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển hệ thống đô thị và khu vực nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, một số  tham luận cũng đề cập đến chính sách đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng; phát triển công nghệ thông tin và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; phát triển các khu, cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị, liên kết vùng nhằm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng bền vững...

Tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Các giải pháp phát triển đô thị để tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang đã phân tích, làm rõ đặc điểm vị trí địa lý, truyền thống văn hiến cách mạng, những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật sau 25 năm tái lập. Đối chiếu với các quy định, đến nay tỉnh Bắc Ninh đã có 3/5 tiêu chuẩn dự kiến đạt tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính và tỷ lệ quận trên tổng đơn vị hành chính đạt trên 60%. Còn 2 tiêu chuẩn còn lại, tỉnh đang tập trung phấn đấu.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: PV)

 

Với mục tiêu phát triển đô thị để Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bắc Ninh đề nghị Trung ương sớm ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm định hướng phát triển cho các tỉnh trong vùng, nhất là có những định hướng cụ thể cho tỉnh Bắc Ninh. Tập trung chỉ đạo hoàn thành và phê duyệt Quy hoạch vùng, Quy hoạch Quốc gia, trong đó làm rõ định hướng, cơ chế điều tiết liên kết giữa các vùng, các tỉnh trong vùng. Đồng thời, xác định, lựa chọn vị trí, vai trò đối với từng tỉnh trong vùng, nhất là với tỉnh Bắc Ninh có thế mạnh trong phát triển công nghiệp, đô thị, kinh tế tri thức, văn hóa…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng ghi nhận và đánh giá cao chất lượng các tham luận cũng như trao đổi, thảo luận của các đại biểu. Thông qua Hội thảo sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn giúp BCĐ tổng kết, đánh giá lại kết quả phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng thời gian qua trên tinh thần kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết số 54 và Kết luận số 13 của Bộ Chính trị. Cùng với đó, chủ động tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những chủ trương, định hướng phù hợp bối cảnh, tình hình và giai đoạn phát triển mới./.

MT