Chiều 6/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải và Thường trực Tỉnh ủy các địa phương Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang để thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng đường vành đai 4.

Dự Hội nghị có sự tham gia của Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ, và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương. Riêng lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc không tham dự do bận chống dịch.

Dự án đường vành đai 4 là việc lớn đầu tiên mà ông Đinh Tiến Dũng thúc đẩy trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội (Ảnh: Viết Thành)

Đây là tuyến đường liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô, giải quyết nhu cầu giao thông cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Hà Nội. Việc đầu tư phát triển tuyến đường này sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề như: phân luồng giao thông từ xa theo các hướng; tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh; tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa vành đai 3, vành đai 4, chuỗi năm đô thị vệ tinh, kết nối chùm đô thị thành phố Hà Nội và các khu vực đô thị, công nghiệp trong vùng Thủ đô.

Đồ họa thuyết minh dự án

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo tính toán, phương án đầu tư và tổng mức đầu tư của dự án nếu xây dựng cao tốc đi bằng là khoảng 105.000 tỷ đồng, theo phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến là khoảng 135.000 tỷ đồng (đã gồm hai cầu lớn vượt sông Hồng).

Ngoài ra, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo chỉ giới 120 m khoảng 25.000 tỷ đồng. Với mức kinh phí này, việc đầu tư bằng vốn đầu tư công là khó khả thi, cho nên cần nghiên cứu theo hướng giải pháp đầu tư hỗn hợp. 

Thảo luận về dự án, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị và tinh thần chủ động của thành phố Hà Nội nhằm đẩy nhanh việc triển khai dự án. Các ý kiến đều khẳng định, đường vành đai 4 được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ đem lại nguồn lực phát triển rất lớn không chỉ đối với các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua, mà các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng cũng được hưởng lợi. Do đó việc triển khai thực hiện dự án là nguyện vọng chung của Nhân dân các tỉnh, thành phố từ nhiều năm nay. Đại diện các địa phương nhất trí đề xuất thành phố Hà Nội làm đầu mối để triển khai thực hiện dự án này; đồng thời mong muốn dự án sớm được thực hiện.

Về quan điểm chung, hội nghị thống nhất tổ chức triển khai đầu tư khép kín toàn bộ tuyến đường (mặt cắt ngang khoảng 120 m, trong đó dự kiến 30 m là đường sắt quốc gia và 90 m là đường bộ với cao tốc đi trên cao) theo hình thức đầu tư hỗn hợp và đề xuất đưa vào danh mục công trình giao thông trọng điểm quốc gia để tập trung chỉ đạo.

Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan phát biểu bày tỏ sự quyết tâm, mong muốn được xây dựng tuyến đường này và tỉnh gửi gắm niềm tin để thành phố Hà Nội chủ trì xây dựng dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tỉnh Bắc Ninh có diện tích khá nhỏ, trong lúc phát triển công nghiệp rất lớn và theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2030 tỉnh Bắc Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, Bắc Ninh rất cần kết nối vùng, mở ra không gian phát triển tốt trong nay mai.

Tuy nhiên, bà Đào Hồng Lan lưu ý, khi tuyến đường vành đai 4 đi qua Bắc Ninh sẽ giao cắt với quốc lộ 38, quốc lộ 17 và 4 tỉnh lộ, có 9 nút giao cắt. Vì vậy, tỉnh đề nghị khi xây dựng dự án cần tính toán phương án, cầu đường kết nối với các điểm giao cắt này, để không xảy ra tình trạng phương tiện không lên xuống được, dẫn tới phải đầu tư bổ sung tốn kém.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay, đồng thời nghiên cứu đầu tư mới và nâng cấp đoạn đi trùng quốc lộ 18 (phía bắc Sân bay Nội Bài) để khép kín tuyến đường vành đai 4

Hà Nội với vai trò là trung tâm, hạt nhân của vùng Thủ đô sẽ chủ trì, phối hợp cùng các địa phương có tuyến đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến; trong đó các địa phương có tuyến đi qua chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách, tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn theo thực tiễn của từng địa phương. Tách công tác đền bù giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng (tương tự như dự án sân bay Long Thành).

Về lựa chọn nhà đầu tư, thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao thành phố Hà Nội là cơ quan đầu mối thay mặt cho các địa phương chủ trì tổ chức triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực và kinh nghiệm triển khai dự án và đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đối với phương án tài chính, sẽ đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ cấu nguồn vốn hợp lý, cơ chế tài chính đặc thù để bảo đảm tính khả thi của dự án, cũng như lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của trung ương và các địa phương có dự án đi qua trong việc bố trí nguồn lực; đầu tư theo hình thức hỗn hợp gồm: đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT cho toàn tuyến (bao gồm cả thành phần đường cao tốc trên cao là 100% BOT). Kiến nghị TW hỗ trợ kinh phí hợp lý cho các địa phương để triển khai dự án, đặc biệt là để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến đường.

Người đứng đầu thành ủy Hà Nội bày tỏ tin tưởng sẽ sớm hoàn thành tuyến đường, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng mở ra không gian phát triển và tạo động lực để đẩy mạnh liên kết vùng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố đã đề ra.

Thời gian hoàn thành dự án dự kiến trong 2 nhiệm kỳ, nhiệm kỳ này phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư, cơ chế, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực và khởi công công trình.

Sau hội nghị, thỏa thuận hợp tác và tờ trình chung của thành phố Hà Nội với 4 tỉnh đề xuất với Thủ tướng về đầu tư xây dựng tuyến đường đã được ký.

Tiếp theo, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và 4 địa phương đã ký bản thỏa thuận hợp tác làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện dự án./.

PV